Khổ qua, rau đắng, bông so đũa… đều có vị đắng, nhưng lá sầu đâu thì lại mang vị đắng dân dã riêng biệt rất khó quên.
Cây sầu đâu (Azadirachta indica) có nguồn gốc từ Ấn Độ, thuộc họ Meliaceae, được gọi với các tên khác là sầu đông, nim, xoan sầu đâu, xoan ăn gỏi, xoan trắng, xoan chịu hạn, xoan Ấn Độ; hoặc theo các ngôn ngữ khác là cây “kỳ diệu”, cây “trị bá bệnh”, chỉ mọc ở các vùng khí hậu nhiệt đới và bán nhiệt đới với tán lá rất khỏe, nhưng có thể rụng trụi khi vào mùa khô hạn.
|
Tính năng
Cây trưởng thành có thể cho từ 30 kg hạt trở lên, chứa nhiều azadirachtin, có tác dụng diệt côn trùng. Người ta cũng dùng tinh chất từ hạt sầu đâu để diệt giun sán, nhưng lại có nguy cơ gây tiêu chảy và nôn ói ở người. Độ cô đặc của hoạt chất này thay đổi tùy theo điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và giống cây. Trên thế giới, cây sầu đâu là đề tài nghiên cứu được nhiều nhà khoa học quan tâm. Theo thống kê của Nutranews (chuyên trang về khoa học, dinh dưỡng, sức khỏe) thì từ năm 1979 cho đến nay đã có hàng chục báo cáo về tính năng trích từ lá, trái, hạt, vỏ cây sầu đâu đã được sử dụng trong mỹ phẩm (chăm sóc tóc, kem đánh răng...), dược phẩm (dưỡng da, trị mụn, các bệnh về da, ung nhọt, răng lợi), vì tác dụng kháng khuẩn, chống viêm, kích thích tăng cường hệ miễn dịch, bảo vệ tim mạch. Ở miệt vườn Tây Nam bộ nước ta, nhiều người thường đốt lá sầu đâu khô để un muỗi rất hiệu quả.
Trong ẩm thực
Từ tháng 11 đến tháng 3 âm lịch là thời điểm sầu đâu thay lá đơm bông. Lúc này tại An Giang, Kiên Giang, Long Xuyên, Châu Đốc... lá và hoa sầu đâu trộn gỏi ba chỉ, tôm hay cá lóc nướng trui, khô cá lóc là món ăn đặc sản tuy có vị đắng nhưng hậu ngọt đậm đà. Ngoài ra, đọt sầu đâu non còn được ăn kèm với món mắm kho cá linh, mắm thái, mắm chưng.
Minh Quân
Bình luận (0)