Hãng gọi xe công nghệ Gojek vừa phát đi thông báo tăng giá cước các dịch vụ GoRide, GoSend, GoFood (dịch vụ giao hàng, giao đồ ăn…), áp dụng từ 0 giờ ngày 12.12. Giá cước này đã bao gồm các loại thuế hiện hành theo luật định, trừ thuế thu nhập cá nhân.
Cụ thể, giá cước mới của Gojek đối với dịch vụ GoRide dưới 2 km, ở Hà Nội và TP.HCM tăng thêm 1.000 đồng, lần lượt từ 12.000 đồng lên 13.000 đồng và từ 10.000 đồng lên 11.000 đồng.
Đối với dịch vụ GoSend ở Hà Nội và TP.HCM, áp dụng giá 15.000 đồng với cự ly dưới 2 km; dịch vụ GoFood, dưới 3 km sẽ áp dụng mức giá 15.000 đồng, tăng 1.000 đồng so với trước đó. Giá cước cho hai dịch vụ trên đối với cự ly trên 2 km sẽ tăng lần lượt từ 4.400 đồng/km tiếp theo và 5.000 đồng/km.
Ngoài ra, Gojek còn thu phụ phí ban đêm 10.000 đồng đối với dịch vụ GoRide từ 22 giờ đến 6 giờ ngày hôm sau, phụ phí này sẽ khấu trừ 20% phí dịch vụ. Dịch vụ GoFood thu phí gửi xe 5.000 đồng/đơn hàng (áp dụng cho những đơn hàng trong trung tâm thương mại và không khấu trừ thuế 20% phí dịch vụ) và sẽ thu phụ phí ban đêm từ 23 giờ đến 6 giờ hôm sau với giá 10.000 đồng/đơn hàng.
Tỷ lệ khấu trừ dành cho đối tác tài xế trên toàn bộ tổng doanh thu từ chuyến xe sẽ được điều chỉnh tương ứng sau khi tăng giá cước, bao gồm thuế GTGT và mức phí dịch vụ 20% không đổi.
Để hỗ trợ đối tác tài xế tốt hơn, Gojek áp dụng một chương trình thưởng, theo đó mỗi đơn hàng GoFood sẽ được hoàn tiền 2% trên tổng doanh thu từ chuyến xe sau khi trừ phí nền tảng. Riêng các đối tác tài xế ở Hà Nội sẽ được hoàn tiền thêm 1% với mỗi đơn hàng GoRide.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục thường xuyên rà soát lại cơ cấu tính cước và đưa ra sự điều chỉnh phù hợp để đảm bảo giá cước của Gojek mang tính cạnh tranh và phù hợp với chiến lược phát triển bền vững tại thị trường Việt Nam. Chúng tôi cam kết luôn tuân thủ đúng và đầy đủ mọi quy định pháp luật tại bất kỳ thị trường nào mà Gojek có hoạt động”, đại diện hãng khẳng định.
Trước đó, ngày 5.12, hãng gọi xe công nghệ Grab đã thông báo điều chỉnh tăng phần khấu trừ với tài xế và tăng giá cước cơ bản trên toàn quốc ngay khi Nghị định 126 hướng dẫn Luật Quản lý thuế có hiệu lực. Từ đó đến nay, tài xế Grab liên tục biểu tình, đình công, tranh cãi về mức khấu trừ mới của tài xế là quá cao.
Các chuyên gia kinh tế nhận định, chiếu theo đúng quy định của Nghị định 10 do Chính phủ ban hành có hiệu lực từ ngày 1.4 thay thế Nghị định 86/2014 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô, Grab là doanh nghiệp (DN) vận tải, phải chịu 10% thuế VAT, đồng nghĩa với việc trở về đúng mô hình kinh doanh của taxi truyền thống, sẽ không còn lợi thế để giảm chi phí, giảm giá thành như trước đây. Khi đó, các DN như Grab sẽ phải phình bộ máy, tăng chi phí thuê mặt bằng, chi phí quản lý, sửa chữa, bảo dưỡng xe, chi phí lương thưởng, chế độ đãi ngộ cho nhân viên... Tất cả chi phí sẽ được DN áp vào giá thành.
Bình luận (0)