Ngày 11.1, Bộ Nội vụ đã trình báo cáo bổ sung về phương án hợp nhất và tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ. Theo đó, Bộ Nội vụ đề xuất hợp nhất một số cơ quan nhằm giảm thiểu sự chồng chéo trong hoạt động. Đây là bước tiến lớn hướng tới một hệ thống quản lý Chính phủ tinh giản hơn.
Thành lập Bộ Dân tộc và tôn giáo
Theo Bộ Nội vụ, tiếp thu ý kiến của Bộ Chính trị, tên gọi của các bộ, cơ quan ngang sau hợp nhất như sau:
Giữ nguyên tên Bộ Tài chính sau khi hợp nhất với Bộ KH-ĐT.
Giữ nguyên tên Bộ Nội vụ sau khi hợp nhất với Bộ LĐ-TB-XH.
Bộ Xây dựng giữ nguyên tên sau khi hợp nhất với Bộ GT-VT.
Bộ KH-CN giữ nguyên tên sau khi hợp nhất với Bộ TT-TT.
Bộ VH-TT-DL giữ nguyên tên sau khi tiếp nhận chức năng quản lý nhà nước về báo chí từ Bộ TT-TT.
Đáng chú ý, với phương án hoàn thiện lần này, sẽ có thêm 1 bộ mới được thành lập là Bộ Dân tộc và tôn giáo trên cơ sở Ủy ban Dân tộc tiếp nhận thêm chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về tôn giáo từ Bộ Nội vụ.
Ngoài ra, Bộ NN-PTNT và Bộ TN-MT sau hợp nhất sẽ lấy tên Bộ Nông nghiệp và Môi trường.
Sau hợp nhất, giảm 5 bộ, thêm 1 bộ mới
Các bộ và cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ còn lại giữ nguyên tên gọi như hiện nay gồm: Bộ Ngoại giao, Y tế, GD-ĐT, Quốc phòng, Công an, Tư pháp, Công thương; Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam, Viện Hàn lâm KH-XH Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam.
Điều chỉnh chức năng nhiệm vụ một số bộ
Tiếp thu ý kiến của Bộ Chính trị, Bộ Nội vụ đã điều chuyển một số chức năng nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của các bộ.
Cụ thể, chuyển chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về báo chí được chuyển từ Bộ TT-TT sang Bộ VH-TT-DL.
Chuyển chức năng, nhiệm vụ, tổ chức về giảm nghèo chuyển từ Bộ LĐ-TB-XH sang Bộ Nông nghiệp và Môi trường.
Điều chỉnh, sửa đổi, chức năng, nhiệm vụ của Viện Nghiên cứu Chiến lược và Chính sách kinh tế - tài chính không bao gồm chức năng, nhiệm vụ của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (do Bộ Chính trị đã quyết định chuyển viện này về Ban Chính sách, chiến lược T.Ư).
Kết thúc hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, 18 tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban Quản lý vốn nhà nước quản lý sẽ chuyển về Bộ Tài chính. Tổng công ty Viễn thông Mobifone chuyển về Bộ Công an quản lý.
Trên cơ sở tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, sau khi tinh gọn, bộ máy Chính phủ khóa 15 (nhiệm kỳ 2021 - 2026) sẽ có 14 bộ, 3 cơ quan ngang bộ (giảm 5 bộ, cơ quan ngang bộ); 5 cơ quan thuộc Chính phủ (giảm 3 cơ quan).
Chính phủ sẽ giảm 13/13 tổng cục; 518 cục và tương đương; 218 vụ; 2.958 chi cục; 201 đơn vị sự nghiệp công lập.
Dự kiến Ban chấp hành T.Ư sẽ họp vào ngày 23 - 24.1 quyết định việc sắp xếp bộ máy. Quốc hội sẽ tổ chức phiên họp vào khoảng thời gian từ 12 - 17.2 để sửa một số luật liên quan.
Bình luận (0)