Trưa 2.9, Ấn Độ đã phóng tên lửa đẩy đưa tàu vũ trụ Aditya-L1 lên quan sát mặt trời. Tên lửa được phóng từ bãi phóng của Cơ quan Nghiên cứu không gian Ấn Độ (IRSO) tại đảo Sriharikota và được phát sóng trực tiếp lên mạng.
Reuters đưa tin có gần 500.000 người theo dõi sự kiện trực tuyến, trong khi hàng ngàn người khác tập trung tại một trung tâm gần bãi phóng để quan sát. Tên lửa được phóng đi trong sự hò reo, vỗ tay của các nhà khoa học.
Phi thuyền Aditya-L1 (tiếng Hindi nghĩa là mặt trời) sẽ thực hiện hành trình khoảng 1,5 triệu km kéo dài 4 tháng đến mặt trời và nghiên cứu gió mặt trời. Các nhà khoa học hy vọng có thể tìm hiểu thêm về hiệu ứng của bức xạ mặt trời đối với hàng ngàn vệ tinh đang trong quỹ đạo quanh trái đất.
Về lâu dài, dữ liệu từ nhiệm vụ có thể giúp hiểu hơn về tác động của mặt trời lên khí hậu trên trái đất và nguồn gốc của gió mặt trời - những luồng phân tử tỏa ra từ mặt trời có thể gây nhiễu động trên trái đất thường được nhìn thấy và gọi là cực quang.
Các cơ quan không gian của Mỹ và châu Âu đã phóng nhiều phi thuyền đến trung tâm hệ mặt trời. Nhật Bản và Trung Quốc cũng đã thực hiện các sứ mệnh quan sát mặt trời từ quỹ đạo quanh trái đất. Tuy nhiên, nếu thành công, Ấn Độ sẽ là nước châu Á đầu tiên đưa phi thuyền lên quỹ đạo quanh mặt trời, theo AFP. Dù vậy, tàu Aditya-L1 cũng chỉ dừng lại ở vị trí 1% khoảng cách từ trái đất đến mặt trời. Ở khoảng cách đó, lực hấp dẫn của mặt trời và trái đất lên con tàu triệt tiêu lẫn nhau, giúp Aditya-L1 duy trì quỹ đạo ổn định quanh mặt trời.
Xe tự hành Ấn Độ bắt đầu khám phá mặt trăng sau cú đáp thành công lịch sử
Hồi cuối tháng 8, Ấn Độ vượt mặt Nga khi trở thành nước đầu tiên đổ bộ cực nam của mặt trăng. Tàu thăm dò Chandrayaan-3 của Ấn Độ đã đáp thành công sau khi tàu Luna-25 của Nga gặp sự cố và bị rơi. Ấn Độ đã tư nhân hóa ngành không gian và đang xem xét mở cửa cho nguồn đầu tư nước ngoài vào ngành mà Thủ tướng Narendra Modi nỗ lực thúc đẩy.
Bình luận (0)