Sau khi hủy thỏa thuận quân sự với Mỹ, Philippines nhắm đến vũ khí Nga

13/02/2020 19:16 GMT+7

Sau khi Philippines hủy Thỏa thuận Lực lượng thăm viếng (VFA) với Mỹ, Nga được cho là có động thái nhằm hỗ trợ huấn luyện quân sự và trang bị vũ khí cho binh sĩ ở quốc gia Đông Nam Á này.

Hôm 11.2, Ngoại trưởng Philippines Teddy Boy Locsin Jr buộc phải ký và gửi thông báo về việc hủy VFA cho Washington theo lệnh của Tổng thống Rodrigo Duterte. Trước đó vào ngày 23.1, ông Duterte cảnh báo Mỹ có một tháng để khôi phục thị thực cho thượng nghị sĩ Philippines Bato dela Rosa, nếu không ông sẽ hủy bỏ VFA. Thỏa thuận được ký vào năm 1998, cho phép hàng ngàn binh sĩ Mỹ đóng trú luân phiên ở Philippines để tham gia các cuộc tập trận quân sự và chiến dịch hỗ trợ nhân đạo.

[VIDEO] Ông Trump chẳng bận tâm, nói Mỹ "đỡ tốn tiền' khi Philippines hủy bỏ thỏa thuận quân sự

Đến ngày 12.2, Bí thư thứ 2 thuộc Đại sứ quán Nga tại Manila Denis Karanin cho hay hai nước đang thảo luận về một thỏa thuận hợp tác kỹ thuật quân sự. Ông Karanin nhấn mạnh thỏa thuận sẽ cung cấp “cơ sở pháp lý” và khuôn khổ” cho mối quan hệ hợp tác, tạo điều kiện có các dự án kỹ thuật quân sự diễn ra dễ dàng hơn, theo tờ South China Morning Post(SCMP).
Thỏa thuận như thế sẽ bao gồm việc xây dựng một nhà máy mà công ty chế tạo vũ khí Nga Kalashnikov từ lâu đã muốn xây dựng ở Philippines. “Vấn đề này đã được thảo luận khá lâu. Không may nó mất một thời gian dài nhưng chúng tôi lạc quan về điều đó”, ông Karanin nhấn mạnh. Nhà ngoại giao Nga cho biết thêm cuộc tập trận chung đầu tiên giữa hai nước đã diễn ra khi 2 hai tàu chiến Philippines thăm thành phố Vladivostok hồi tháng 7.2019.
Kể từ khi Manila thiết lập quan hệ ngoại giao với Moscow hồi năm 1976, Tổng thống Duterte là vị lãnh đạo Philippines đầu tiên nâng tầm quan hệ này. SCMP dẫn lời nhà phân tích an ninh Chester Cabalza tại Học viện phát triển Philippines cho rằng động thái của Tổng thống Duterte nhằm thắt chặt chính sách ngoại giao độc lập trước khi ông mãn nhiệm ký vào năm 2021, bằng "cách đa dạng hóa các quan hệ đối tác chiến lược giữa Philippines với các đồng minh phi truyền thống”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.