Người dùng vẫn khổ vì tin nhắn rác
Theo thống kê của Cục Viễn thông, tính đến chiều 1.4, khoảng 1,5 triệu thuê bao chưa chuẩn hóa thông tin và bị khóa 1 chiều. Cũng theo đó, sau ngày 15.4 nếu thuê bao cũng không thực hiện chuẩn hóa thông tin, sẽ khóa SIM 2 chiều và sau ngày 15.5 sẽ thu hồi SIM.
Trước đó, vào ngày 31.3, Cục Viễn thông khẳng định, tất cả các thuê bao di động đang hoạt động phải đảm bảo thông tin trùng khớp với thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Việc khóa thuê bao đối với những thuê bao di động không chuẩn hóa thông tin cá nhân này được thực hiện theo quy định trong Nghị định 49 của Chính phủ.
Dù cơ quan chức năng đang xử lý nghiêm đối với SIM không chính chủ để giảm thiểu SIM rác nhưng người dân vẫn nhận được các cuộc gọi, tin nhắn quảng cáo, lừa đảo việc làm.
Trao đổi với Thanh Niên, chị Hoàng Giang ở phố Trần Quốc Vượng (Q.Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, mặc dù SIM đã chuẩn hóa thông tin theo đúng yêu cầu nhưng vẫn liên tục nhận được các tin nhắn rác, với những nội dung lừa đảo và phản cảm. "Tôi cảm thấy rất phiền khi liên tục có những tin nhắn rác gửi đến với nhiều nội dung không hay. Mới đây thôi, ngày 4.4, tôi vẫn nhận được tin nhắn lừa đảo, việc nhẹ lương cao", chị Giang bức xúc nói.
Tương tự, tối ngày 3.4, anh Nguyễn Trung ở phố Nguyễn Thái Học (Q.Đống Đa, Hà Nội) cho biết: "Trước và sau khi có thông tin sẽ xử lý nghiêm các thuê bao không chính chủ thì tôi vẫn cứ thường xuyên nhận được tin nhắn rác từ số 06113620xxxx. Tôi vẫn chưa thấy sự thay đổi gì sau khi kiểm tra và đăng kí lại thông tin chính chủ cho thuê bao".
Thanh kiểm tra người đăng ký từ 20 SIM trở lên
Để tiếp tục ngăn chặn vấn nạn SIM rác, theo công văn vừa được Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư, Bộ sẽ bắt đầu thanh tra trên cả nước về những trường hợp đăng ký từ 20 SIM trở lên nhằm ngăn chặn SIM rác. Đợt thanh tra này diễn ra trên phạm vi toàn quốc từ ngày 5.4 - 5.6.
Cụ thể, nhóm bị thanh kiểm tra gồm doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đăng ký sử dụng SIM số lượng lớn và có dấu hiệu bất thường, chi nhánh của doanh nghiệp viễn thông tại địa phương cùng các điểm cung cấp dịch vụ có lượng thuê bao đăng ký lớn. Để có cơ sở thanh tra, Bộ đề nghị sở TT-TT thông địa phương lập danh sách các cá nhân đăng ký sử dụng từ 20 SIM trở lên, các doanh nghiệp, tổ chức đăng ký 50 SIM trở lên, năm điểm cung cấp dịch vụ viễn thông có số lượng sim lớn nhất tại từng tỉnh thành.
Phạt nặng nếu sử dụng SIM nặc danh
Nghị định số 49 của Chính phủ quy định các hành vi bị cấm: giả mạo; sử dụng giấy tờ tùy thân, giấy chứng nhận pháp nhân của cá nhân, tổ chức khác để giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung; nhập sẵn thông tin thuê bao; kích hoạt dịch vụ di động trả trước cho SIM thuê bao khi chưa thực hiện…
Nghị định quy định phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: giả mạo; sử dụng giấy tờ của các cá nhân, tổ chức khác để thực hiện giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung.
Phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với một trong các hành vi: bán SIM thuê bao di động khi không được doanh nghiệp viễn thông di động ký hợp đồng ủy quyền giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung; Bán, lưu thông trên thị trường SIM thuê bao đã được nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước.
Bình luận (0)