Ngày 16.3, ông Huỳnh Quang Đức, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Bến Tre, cho biết qua thống kê sâu lạ (người dân gọi là sâu đầu đen - PV) đã tấn công, gây thiệt hại trên 146,78 ha vườn dừa.
Đáng lo nhất là các "ổ dịch" hại do sâu đầu đen gây ra đã xuất hiện rải rác ở các huyện Bình Đại, Châu Thành, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Chợ Lách và TP.Bến Tre.
Sâu 'lạ' hại dừa có liên quan đến hạn mặn?
“Đây là loại sâu lần đầu xuất hiện ở Bến Tre và hiện chúng tôi vẫn chưa có phương pháp đặc trị. Trung tâm Giám định kiểm định thực vật - Cục Bảo vệ thực vật Bộ NN-PTNT đã xác định là loại sâu có tên khoa học Opisina arenosella Walker. Đây là loài sâu hại nghiêm trọng có nguồn gốc từ miền nam Ấn Độ và Sri Lanka. Từ tháng 7.2020 đến nay, các ổ dịch bệnh gây hại trên cây dừa do loài sâu này gây ra xuất hiện liên tục ở 6 huyện của tỉnh Bến Tre”, ông Đức cho biết.
|
Theo ông Đức, sâu đầu đen là đối tượng dịch hại mới xuất hiện tại Việt Nam nên chưa có loại thuốc đặc trị. Khó khăn lớn nhất hiện nay là đa số người dân thực hiện các biện pháp phòng trừ chưa tuân thủ quy trình hướng dẫn của cơ quan chuyên môn; trong khi một số khác lại không quan tâm đến công tác phòng trừ, còn trông chờ vào sự hỗ trợ của cơ quan chức năng.
Cách phòng trị phổ biến do ngành nông nghiệp tỉnh Bến Tre khuyến cáo tạm thời cho người dân là chặt bỏ tàu dừa có sâu; đối với các vườn dừa già, thân quá cao mà có sâu xuất hiện thì nên đốn bỏ cây dừa tiến hành các biện pháp phòng trừ để tránh lây lan. Hiện nay, Sở NN-PTNT Bến Tre cũng đã phối hợp với một số doanh nghiệp phát một số chế phẩm nấm và chất bám dính để nông dân phòng ngừa loài sâu đầu đen.
“Chúng tôi nghĩ là có mối liên quan hệ giữa hệ quả của hạn mặn và môi trường sinh tồn của sâu đầu đen. Đó cũng là một trong những nhiệm vụ của nhóm nghiên cứu chúng tôi về loại sâu nguy hiểm này”, ông Đức nói.
|
Thành lập hội đồng khoa học vì sâu “kháng thuốc hóa học”
Ông Lê Ngọc Tùng (ngụ xã Đa Phước Hội, H.Mỏ Cày Nam), cho biết loại sâu đầu đen này không “ngán” thuốc trừ sâu nên dù ông đã phun xịt liên tục trong nhiều ngày mà sâu vẫn chưa chết.
“Phun 2 lần liên tục thì tôi bị choáng nên phải thuê người có phương tiện cơ giới để phun xịt lần 3. Người xịt thuốc thuê có máy phun rất mạnh, phun ướt hết tán lá nên trên toàn bộ 7.000 gốc dừa trong 5 công vườn nhưng sâu vẫn trơ trơ ra đó. Tôi nghĩ, dù phun thuốc với hàm lượng cao hơn đến độ người bị ngộ độc nhưng sâu này cũng không chết được”, ông Tùng quả quyết và cho hay ông đang có kế hoạch đốn bỏ vườn dừa để tìm cây khác trồng lại.
|
Theo ông Tùng, loại sâu đầu đen làm kén trú ngụ dưới lá dừa nên phun xịt rất khó khăn. Sâu ăn hết biểu bì màu xanh làm lá mỏng và khô đi, ăn hết lá già đến lá non, rồi đến trái và sau cùng là cây vàng vọt chết khô luôn. Loại sâu này ăn tạp đến cả những cây dừa con mới nhô khỏi mặt đất. Nguy hiểm nhất là sâu đầu đen sinh sản rất nhanh.
Theo ông Nguyễn Minh Cảnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, UBND tỉnh Bến Tre đã ban hành quyết định cấp kinh phí 1 tỉ đồng để Sở NN-PTNT, KH-CN chủ trì thành lập hội đồng nghiên cứu biện pháp phòng, trị loại sâu đầu đen gây hại trên cây dừa.
|
“Bến Tre có hơn 70.000 ha vườn dừa. Hơn 2/3 số hộ dân trên địa bàn tỉnh có kinh tế từ cây dừa. Vậy nên sâu tấn công dừa là một việc cực kỳ hệ trọng. UBND tỉnh kỳ vọng ngành NN-PTNT, KH-CN và các nhà khoa học sớm tìm ra được liệu trình sinh học để diệt trừ loài sâu lạ nguy hiểm này”, ông Cảnh cho biết.
Bình luận (0)