Sau Labulu, giới trẻ lại lên cơn 'sốt' với Baby Three

01/12/2024 14:06 GMT+7

Cơn 'sốt' túi mù (Labulu) chưa kịp lắng xuống, gần đây, hộp mù Baby Three (blind box) đã trở thành trào lưu mới, nhanh chóng thu hút sự chú ý của giới trẻ.

Thỏa mãn sự tò mò

Baby Three là sản phẩm thuộc dòng đồ chơi blind box, hay còn được biết đến với tên gọi là hộp mù. Những bộ sưu tập được sản xuất liên tục với nhiều mẫu mã khác nhau như động vật, trái cây, cung hoàng đạo... được tạo hình dễ thương, bắt mắt. Cả người mua và người bán không thể biết sản phẩm bên trong hộp, chỉ thấy đầy đủ bộ sưu tập qua hình vẽ bên ngoài vỏ hộp. Từ đó, người chơi sẽ lựa chọn nhân vật yêu thích và "thử vận may" bằng cách mở hộp.

Sau Labulu, giới trẻ lại lên cơn 'sốt' với Baby Three- Ảnh 1.

Những bé Baby Three được bày bán với nhiều mẫu mã và mức giá khác nhau

ẢNH: GIA ÂN

Giá cả của hộp mù nói chung dao động từ 15.000 đồng đến 4 triệu đồng mỗi hộp, phân khúc phổ biến nhất của Baby Three là từ 300.000 - 500.000 đồng với đủ các loại mẫu mã. Những phân khúc khác từ 500.000 - 1 triệu đồng hay 2 triệu đồng - 4 triệu đồng cũng đã ghi nhận sức mua đáng kể, đặc biệt với những nhân vật hiếm hay bộ sưu tập được sản xuất theo mùa lễ hội.

Trên thực tế, những chú gấu bông có giá trị dao động từ 80.000 - 150.000 đồng nhưng khi được để trong hộp mù với thiết kế bắt mắt, giá thành có thể tăng lên gấp đôi, thậm chí là gấp 5 lần.

Mặc dù giá trị không nhỏ nhưng ở thời điểm hiện tại, việc mua bán Baby Three vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Sau Labulu, giới trẻ lại lên cơn 'sốt' với Baby Three- Ảnh 2.

Tới những sản phẩm tạo hình đẹp mắt hơn với giá cả lên tới hàng trăm nghìn đồng

ẢNH: GIA ÂN

Bạn Nguyễn Hồng Anh (22 tuổi, Q.Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết đã chi gần 10 triệu đồng trong tháng vừa rồi để mua Baby Three.

"Mình biết tới Baby Three nhờ những video trên Tiktok và cảm thấy thích thú bởi vẻ ngoài đáng yêu của chúng. Mình sưu tập dưới nhiều hình thức khác nhau, từ mua trực tiếp trong cửa hàng, mua trên đường tới mua online, mua qua livestream..., thấy nhân vật nào xinh là mình mua. Hiện tại mình đã trả gần 10 triệu đồng cho 23 nhân vật với hình dáng, kích thước khác nhau", Hồng Anh chia sẻ.

Tương tự, Phạm Hải Đăng (23 tuổi, Q.Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ, sẽ sẵn sàng mua trải nghiệm chứ không quan tâm nhiều về giá cả và công năng của sản phẩm.

"Mình không nghĩ nhiều đến thế, cái gì vui vẻ thì mình ưu tiên. Quan trọng là cảm giác hồi hộp khi bóc hộp xem có trúng nhân vật mình thích hay không, nó rất khó tả, nhiều khi là "nghiện" ấy", Đăng nói và cho biết, với những nhân vật không phải hiếm hay không như mong muốn, anh sẽ bán lại để tiết kiệm một phần chi phí cho lần trải nghiệm tiếp theo.

Sau Labulu, giới trẻ lại lên cơn 'sốt' với Baby Three- Ảnh 3.

Một trong những nhân vật hiếm (mắt Dora) của hộp mù Baby Three

ẢNH: GIA ÂN

Chị Nguyễn Yến Linh, người bán Baby Three trên nền tảng Tiktok cho biết, một tháng chị có thể lãi từ 15 triệu đồng - 18 triệu đồng từ việc kinh doanh mặt hàng này.

"Có những bạn không trúng được nhân vật yêu thích, được sự động viên từ những người khác sẵn sàng mua liên tục tới khi trúng thì thôi. Hoặc có những đợt mình khuyến mãi quần áo khi mua trên 1 triệu đồng, khuyến mãi giày, bao tay từ 2 triệu đồng trở lên, các bạn sẵn sàng mua bởi những sản phẩm đó mình không bán lẻ", chị Linh nói.

Phương thức marketing nhắm đến xu hướng "cuồng" mua sắm của giới trẻ

Theo PGS-TS Trần Thành Nam, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục, hộp mù được đông đảo bạn trẻ yêu thích bởi cách thức marketing thông minh, nhắm vào tâm lý người tiêu dùng.

Sau Labulu, giới trẻ lại lên cơn 'sốt' với Baby Three- Ảnh 4.

Những nhân vật có đôi mắt long lanh, nhiều màu chính là "hàng hiếm" trong những bộ sưu tập hộp mù Baby Three

ẢNH: GIA ÂN

Ông Nam cho rằng, những người bán hàng sẽ sử dụng nhiều thủ thuật như hướng đến sự độc nhất, bất ngờ, thiên về mặt cảm xúc để khách hàng quyết định chi tiền.

“Rất nhiều sản phẩm hướng vào đối tượng khách hàng trẻ bởi những người trẻ có xu hướng "cuồng" mua sắm, sử dụng mua sắm như cách thức giải tỏa tâm lý chứ không hẳn để sử dụng. Vì vậy, giá cả sản phẩm thường cao hơn so với giá trị thực tế và họ lý giải bằng cách thức ở đây tôi bán trải nghiệm, bán cảm xúc chứ tôi không bán giá trị sản phẩm. Trên thực tế, đây là cơ chế thị trường và là cách marketing của người bán", ông Nam lưu ý.

PGS-TS Trần Thành Nam dành lời khuyên tới các bạn trẻ, rằng hãy tự nâng cao năng lực tư duy tài chính để luôn tỉnh táo trước những thủ thuật thao túng tâm lý của người bán hàng. Qua đó, mỗi người có thể xác định được chính xác nhu cầu thực tế và biết cách cân đối thu chi, không để bản thân rơi vào áp lực tài chính sau khi bóc hộp mù, túi mù để đổi lại một vài phút thư giãn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.