Số visa du học Úc giảm 38%
Studymove, công ty tư vấn có trụ sở tại Úc, hôm 17.10 công bố những thống kê và phân tích mới nhất liên quan đến ngành giáo dục quốc tế của nước này. Số liệu cho thấy, trong 10 tháng qua (từ tháng 10.2023 đến tháng 8.2024), Úc cấp 297.717 visa du học cho sinh viên quốc tế. Mức này thấp hơn 38% so với cùng kỳ năm trước và thấp hơn 12% so với mức trước đại dịch vào năm 2018-2019.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tháng 8 là thời điểm bắt đầu một trong những kỳ nhập học phổ biến tại Úc, thế nên việc chọn mốc thời gian này phản ánh khá đầy đủ về bức tranh du học sinh đến nước này trong năm 2024.
Sự sụt giảm này diễn ra trong bối cảnh 12 tháng qua, ngành giáo dục quốc tế của Úc liên tục chứng kiến nhiều thay đổi trong chính sách, như lệ phí xin visa du học tăng hơn gấp đôi, yêu cầu về tài chính, tiếng Anh để xin visa du học cũng tăng lên, trong khi đó lại giảm thời hạn, độ tuổi cho phép đối với visa làm việc sau tốt nghiệp. Đồng nghĩa, du học Úc giờ đây tốn kém hơn nhưng cơ hội ở lại không bằng như trước.
Cụ thể hơn, sinh viên học nghề bị ảnh hưởng nặng nề nhất với số visa du học giảm 67%, theo sau là khóa tiếng Anh (50%) và ĐH (25%). Tác động từ chính sách cũng ảnh hưởng không đồng đều đến sinh viên từ các nước, như sinh viên Colombia, Philippines bị giảm nhiều nhất (giảm 62-67%), trong khi sinh viên Trung Quốc và Sri Lanka ít bị ảnh hưởng hơn (7%). Tại Việt Nam, số visa du học Úc cấp ra giảm 28%, xuống còn 12.604.
Ngoài ra, các tiểu bang tại Úc cũng chịu tác động khác nhau, như các vùng xa trung tâm (Tasmania, lãnh thổ Bắc Úc, giảm đến 46%) bị ảnh hưởng nặng nề hơn so với khu vực trung tâm (New South Wales, Victoria giảm 35-37%). "Chính sách thay đổi xoành xoạch suốt năm nay khiến du học sinh chẳng biết đường nào mà lần", ông Keri Ramirez, Giám đốc điều hành và đồng sáng lập Studymove, nói trong buổi chia sẻ kết quả thống kê.
Ông Ramirez cũng nhấn mạnh dù chính phủ Úc đang muốn giữ số lượng du học sinh ở mức năm 2023 với đề xuất áp trần tuyển sinh, nhưng thực tế chỉ ra rằng số tân sinh viên nhập học vào nửa cuối 2024 đã ít hơn 11% so với cùng kỳ 2023. Ông Ramirez còn phân tích các nước đang chịu những ảnh hưởng khác nhau từ chính sách mới và điều này cho thấy quy định hiện hành đang gây nhiều xáo trộn cho cả sinh viên lẫn trường học.
Các trường ĐH ứng phó ra sao?
Theo báo cáo từ Studymove, nhằm đối phó với chính sách mới, các trường ĐH Úc phải điều chỉnh phương thức tuyển sinh, quảng bá để cạnh tranh trong bối cảnh hiện tại. Cụ thể, việc áp trần tuyển sinh đã tạo ra hai nhóm trường với những chiến lược khác nhau. Nhóm thứ nhất bị giới hạn chỉ tiêu thì buộc phải giảm số lượng sinh viên quốc tế để đáp ứng hạn ngạch mới.
Studymove nói nhằm duy trì vận hành, nhóm trường này đang tập trung tối đa hóa doanh thu từ số sinh viên hiện có bằng cách tăng học phí và mở thêm chương trình thu học phí cao. Nhiều trường cũng tìm kiếm các phương án thay thế như đào tạo trực tuyến và liên kết đào tạo để duy trì hiện diện trên thị trường quốc tế mà không vi phạm giới hạn tuyển sinh trong nước.
Nhóm thứ hai là những ĐH còn dư địa phát triển. Theo Studymove, nhóm này tập trung vào việc mở rộng thị phần bằng cách cung cấp học bổng và tăng cường tuyển sinh ở các thị trường chưa được khai thác nhiều. Họ cũng tìm cách tạo dấu ấn riêng so với các đối thủ cạnh tranh qua việc cung cấp chương trình đặc thù, các khóa học chuyên ngành phù hợp với nhu cầu toàn cầu.
"Xu hướng chung của cả hai nhóm là tăng cường những hình thức đào tạo thay thế. Do hạn ngạch mới giới hạn số sinh viên học trực tiếp tại Úc, nhiều trường tìm cách mở rộng các chương trình và hợp tác ở nước ngoài. Điều này cho phép họ tiếp cận sinh viên quốc tế mà không vượt giới hạn và xu hướng này dự kiến sẽ tiếp tục khi các trường ĐH muốn mở rộng tuyển sinh nhưng vẫn tuân thủ quy định", báo cáo nêu.
Vào năm 2025, Studymove dự báo mức học phí trung bình với du học sinh sẽ tăng 6,2%, mức tăng cao nhất kể từ 2018 do các trường ĐH đang bước vào "chế độ khẩn cấp".
Theo thống kê từ Bộ Giáo dục Úc, đến tháng 7.2024, có 793.335 sinh viên quốc tế theo học các khóa ở Úc. Trong đó, Việt Nam có 36.221 người, xếp thứ 5. Tại các trường hàng đầu, số lượng sinh viên lẫn nghiên cứu sinh người Việt chiếm tỷ lệ đáng kể, khoảng 600 người ở ĐH Melbourne, 400 người ở ĐH Adelaide hay nằm trong top 10 về số lượng ở ĐH Queensland...
Bình luận (0)