Sáng nay, Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ tiếp tục phát đi bản tin cảnh báo giông, sét, mưa và mưa lớn cục bộ ở nhiều địa phương như: TP.HCM, Đồng Nai, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Cần Thơ, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Tiền Giang, An Giang… lượng mưa phổ biến từ 5 - 15mm, có nơi trên 20mm. Tuy nhiên, đến 10 giờ cùng ngày trên địa bàn TP.HCM thời tiết cơ bản vẫn là nắng nóng.
Những ngày qua cũng tương tự, dù TP.HCM và các tỉnh Nam bộ có mưa rào nhẹ và mưa lớn cục bộ nhưng thời tiết vẫn nắng nóng. Mặt trời lên từ lúc chưa tới 6 giờ sáng, đến khoảng 9 giờ thì nắng đã bắt đầu rát da và kéo dài đến chiều tối. Nắng nóng gay gắt cộng với độ ẩm không khí cao càng làm cho tình trạng oi bức rất khó chịu. Nhiều người thắc mắc, tưởng sau mưa chuyển mùa, thời tiết sẽ bước sao giai đoạn mát mẻ, dễ chịu. Thế nhưng thực tế, nắng nóng vẫn còn kéo dài trong những ngày tới.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, ngày 10.5 ở khu vực Nam Bộ có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35 - 38 độ C, có nơi trên 38 độ C như: Trị An (Đồng Nai) 38,1 độ C, Tà Lài (Đồng Nai) 37,4 độ C…
Sau mưa chuyển mùa, TP.HCM vẫn nắng nóng
Trong ngày 11-12.5, khu vực Nam bộ có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35 - 37 độ C, có nơi trên 37 độ C. Nắng nóng ở Nam bộ có khả năng kéo dài đến khoảng ngày 15.5.
Ngoài ra, khu vực nam Trung bộ và Tây nguyên cũng có nắng nóng cục bộ với nhiệt độ cao nhất có nơi trên 35 độ C.
Trong thời giai đoạn từ ngày 11.4 - 10.5, lượng mưa trung bình ở khu vực Tây nguyên và Nam bộ thấp hơn trung bình nhiều năm từ 50 - 100mm, có nơi thấp hơn tới trên 120mm. Mưa ít khiến tình trạng nắng nóng kéo dài và căng thẳng hơn so với nhiều năm. Nguyên nhân là do ảnh hưởng của El Nino và tình trạng biến đổi khí hậu làm nhiệt độ toàn cầu ấm lên.
Theo các chuyên gia, hiện tại thời tiết ở Nam bộ vẫn đang chịu ảnh hưởng của áp thấp nóng phía tây. Đây vẫn là giai đoạn chuyển mùa, gió tây nam hoạt động yếu và ở tầng thấp nên mưa chưa nhiều và xảy ra trên diện rộng làm cho tình trạng nắng nóng vẫn còn khá gay gắt. Từ sau ngày 15.5, gió tây nam hoạt động mạnh lên sẽ giúp mưa nhiều hơn về cả lượng và diện, khi đó tình trạng nắng nóng giảm.
Trên phạm vi toàn quốc tiếp tục xuất hiện các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như mưa giông kèm theo lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Ngoài ra, trên khu vực Biển Đông có khả năng xuất hiện các nhiễu động nhiệt đới trong khoảng cuối tháng 5, đầu tháng 6.
Bình luận (0)