Sau nghỉ tết, không còn địa phương đóng cửa trường học

07/02/2022 05:59 GMT+7

Tổng hợp của Bộ GD-ĐT cho biết 63/63 tỉnh, thành đã lên kế hoạch đưa học sinh THCS, THPT đi học trực tiếp trong thời gian từ 7 - 14.2, thay vì chỉ có 9 - 15 địa phương như trước kỳ nghỉ tết.

Ngành GD-ĐT và các chuyên gia đưa ra nhiều lưu ý về việc tổ chức dạy học sau thời gian học sinh (HS) ở nhà học trực tuyến quá dài.

Từ 8.2, HS Hà Nội từ lớp 7 - 12 đi học trực tiếp

Hà Nội được đánh giá là địa phương cho phần lớn HS học trực tuyến kéo dài nhất trên cả nước khi đến nay đã hơn 9 tháng. Tuy nhiên, trước yêu cầu quyết liệt của Thủ tướng và Bộ GD-ĐT, Hà Nội cuối cùng đã quyết định “chuyển trạng thái” như tất cả các tỉnh, thành khác. Theo quyết định của UBND TP, từ 8.2, HS từ lớp 7 - 12 trên địa bàn Hà Nội đi học trực tiếp. HS cấp tiểu học và lớp 6 tiếp tục học trực tuyến; trẻ mầm non tiếp tục nghỉ học.

Đến 10.2, Hà Nội tiếp tục cho HS khối lớp 1, 2, 3, 4, 5, 6 thuộc 18 huyện, thị ngoại thành trở lại trường học trực tiếp; riêng HS mầm non toàn TP vẫn tiếp tục ở nhà; HS khối lớp 1, 2, 3, 4, 5, 6 của 12 quận nội thành vẫn học trực tuyến.

Tuy nhiên, ở tất cả các khối lớp, Hà Nội chỉ cho phép tổ chức dạy học trực tiếp ở các địa bàn có mức độ dịch cấp độ 1 và 2, còn HS cư trú tại các địa bàn có mức độ dịch cấp độ 3 và 4 vẫn học trực tuyến.

Giáo viên chưa tiêm đủ vắc xin Covid-19 theo quy định chỉ dạy học trực tuyến, không đến lớp dạy trực tiếp. Không tổ chức bán trú, căng tin ăn uống trong trường, chỉ tổ chức dạy học trực tiếp 1 buổi/ngày.

Nhằm bảo đảm an toàn cho HS, Sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu các trường rà soát, chuẩn bị các điều kiện để bảo đảm yêu cầu an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn liên ngành của sở GD-ĐT và y tế; hầu hết các trường đã tổ chức diễn tập đón HS trở lại trường trước kỳ nghỉ Tết Nhâm Dần.

Diễn tập cho học sinh đi học trở lại tại Trường THPT Việt Đức (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội)

ĐẬU TIẾN ĐẠT

7 điều cần làm trước khi học sinh trở lại học trực tiếp

Một số địa phương mở cửa trường dè dặt, cẩn trọng

Một địa phương khác ở phía bắc dù dịch bệnh không diễn biến phức tạp nhưng vẫn “kiên trì” đóng cửa trường một cách khó hiểu suốt hơn 1 học kỳ vừa qua là Hưng Yên. Tuy nhiên, ngày làm việc cuối cùng trước kỳ nghỉ tết, UBND tỉnh này đã ra quyết định cho HS trở lại trường vào ngày 14.2 với quy mô khác nhau ở từng khối lớp. Trong đó, cấp tiểu học chỉ HS lớp 1 đi học trực tiếp; trung học là từ lớp 7 - 12. Tuy nhiên, chỉ có các khối lớp 9, 12 học trực tiếp đủ 6 buổi các ngày trong tuần; các khối lớp còn lại học trực tiếp 3 buổi/tuần, số buổi còn lại học trực tuyến… Từ ngày 21.2, trẻ mầm non 5 tuổi đến trường, tổ chức cho trẻ bán trú. HS từ lớp 2 - 6 đến trường học trực tiếp, thời gian 3 buổi/tuần, số buổi còn lại học trực tuyến; không tổ chức ăn bán trú và căng tin ăn uống trong trường phổ thông…

Sở GD-ĐT Bắc Giang đề nghị UBND các huyện, TP nghiên cứu, chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn phối hợp với cơ quan y tế thực hiện sàng lọc cán bộ, giáo viên, HS có nguy cơ cao với Covid-19 để tổ chức xét nghiệm tầm soát, test nhanh cho HS trong ngày đầu tiên trở lại trường học sau kỳ nghỉ tết.

Cần chú trọng “sức khỏe tâm lý” của học sinh

Bà Simone Vis, Trưởng chương trình Giáo dục UNICEF tại Việt Nam, khuyến nghị khi trẻ em trở lại trường học, cần nhớ HS đã không được đến trường trong nhiều tháng. Nhiều em có thể đã bị giảm các kỹ năng xã hội. Vì vậy, trong những ngày đầu tiên trở lại trường, các em sẽ phải làm quen lại với việc học tập trên lớp.

UNICEF khuyến cáo nhà trường nên dành nhiều thời gian cho HS thực hiện các tương tác xã hội và tiếp tục tập trung vào việc học tập cảm xúc xã hội. Cũng theo bà Simone, UNICEF thật sự quan ngại về những tác động của áp lực phải học giỏi đối với sức khỏe tâm lý xã hội của HS. Do đó, UNICEF kiến nghị nhà trường sắp xếp lại lịch học và có thể cân nhắc bỏ đi một số bài kiểm tra và hoãn lại một số chương trình khi mở lại trường học.

Ông Nguyễn Đình Sơn, Hội Tâm lý - Giáo dục Hà Nội, khuyến cáo cha mẹ, giáo viên cần đề phòng những tình huống có thể xảy ra khi HS quay lại trường học như: bạo lực học đường; áp lực, căng thẳng trong học tập; những trường hợp rối nhiễu đặc biệt trong học tập và cảm xúc; kết quả học tập sụt giảm… “Đặc biệt, giáo viên phải chuẩn bị cho cả tình huống có HS nghi vấn là F0 có thể sẽ bị xa lánh, kỳ thị hoặc có những lời đồn tiềm ẩn tạo ra một loại bạo lực học đường”, ông Sơn nói.

PGS-TS Phạm Mạnh Hà, Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), cho rằng khi mở cửa trường học, nhà trường cần có giải pháp an toàn cho trẻ. Đầu tiên cần có hướng dẫn cụ thể về tổ chức các hoạt động giáo dục vừa đảm bảo các nội dung chuyên môn, vừa đảm bảo phòng chống dịch, xây dựng kịch bản phát hiện ổ dịch trong trường học để nhanh chóng xử lý mà không làm gián đoạn việc học. Xây dựng lại hệ thống kiểm tra, đánh giá để đảm bảo đánh giá đúng năng lực người học theo cả phương thức học tập trực tiếp, trực tuyến hoặc kết hợp, tránh được gian lận trong thi cử và các hình thức biến tướng khác.

Covid-19 sáng 7.2: Cả nước 2.341.971 ca nhiễm | Không còn tỉnh thành vùng đỏ, vùng cam

Không dạy học dồn ép, căng thẳng

Về một số việc cần làm khi đón HS trở lại trường sau nghỉ tết, tại hội nghị bàn về việc cho HS trở lại trường gần đây, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng: “Trước khi HS quay trở lại trường, cần chuẩn bị tinh thần, thái độ cho cả phụ huynh và HS. Trong những ngày đầu HS quay trở lại trường cần có các hoạt động hội nhập, tương tác xã hội, kỹ năng khác, bởi sau thời gian dài học trực tuyến, sẽ có trường hợp HS ngại học trực tiếp, giáo viên ngại dạy trực tiếp, do đó cần có những hỗ trợ để HS hứng thú, mong muốn được học trực tiếp, giáo viên thích ứng trở lại với dạy trực tiếp”.

Thủ tướng yêu cầu đảm bảo để học sinh đi học an toàn

Kết luận cuộc họp Thường trực Chính phủ về các nhiệm vụ trọng tâm sau nghỉ tết mới đây, Thủ tướng yêu cầu mở cửa trường học trên phạm vi toàn quốc ở tất cả các cấp học từ ngày 7 - 14.2 theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, bảo đảm để HS đi học an toàn, khoa học, hiệu quả, hợp lý và giúp các phụ huynh HS bớt lo toan.

Bộ trưởng Kim Sơn cũng nhấn mạnh trọng tâm của năm 2022 là củng cố, bù đắp kiến thức để chuẩn bị tốt nhất cho những năm tiếp theo, vì vậy khi HS trở lại, các nhà trường cần tập trung hỗ trợ kiến thức, tâm lý cho HS, thực hiện đánh giá, phân nhóm phù hợp để hỗ trợ hiệu quả. Thời gian qua, các địa phương, nhà trường triển khai dạy và học dựa theo nội dung chương trình cốt lõi do Bộ GD-ĐT ban hành, khi HS quay trở lại học trực tiếp, các sở GD-ĐT cần lưu ý vẫn tiếp tục thực hiện nội dung chương trình này. Nếu các địa phương, cơ sở giáo dục nào hoàn thành sớm thì quay trở lại củng cố kiến thức, kỹ năng cho HS. Bên cạnh đó, các địa phương, nhà trường cũng cần cân nhắc lộ trình kiểm tra đánh giá phù hợp, tránh gây áp lực, quá tải đối với HS.

Ông Phạm Xuân Tiến, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết để chuẩn bị đón HS từ lớp 7 - 12 trở lại trường từ ngày 8.2, Sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu thủ trưởng các đơn vị, trường học chủ động rà soát, sắp xếp lại chương trình, kế hoạch dạy học theo nội dung điều chỉnh, tinh giản; xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường đảm bảo thích ứng, linh hoạt, hiệu quả.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.