Sau những vụ 'bỗng dưng' mất tiền từ sổ tiết kiệm, làm gì để tránh rủi ro?

23/03/2023 11:25 GMT+7

Liên quan đến một số vụ án bỗng dưng mất tiền trong tài khoản hay sổ tiết kiệm, khách hàng cần lưu ý để tránh rủi ro có thể xảy ra.

Mất tiền do ký khống giấy tờ?

Mới đây, bà Hồ Thị Thùy Dương gửi đơn đến Cục Cảnh sát hình sự và Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu kêu cứu vì 46,9 tỉ đồng trong tài khoản tại phòng giao dịch Sacombank Cam Ranh biến mất.

Theo đó, trong tháng 5.2022, tổng cộng có 12 giao dịch, 9 lần rút tiền mặt và 3 lần chuyển khoản rút đi số tiền trên. 9 giao dịch rút tiền mặt nhưng thời gian thực hiện giao dịch toàn là các khung giờ từ 18h đến 21h (ngoài giờ hành chính). Có 3 giao dịch chủ tài khoản không biết tài khoản nhận là ai.

Sau những vụ 'bỗng dưng' mất tiền từ sổ tiết kiệm, làm gì để tránh rủi ro? - Ảnh 1.

Khách hàng và Sacombank đang tranh chấp xoay quanh vụ mất tiền

N.Q

Phía Sacombank khẳng định, thông tin này chưa đầy đủ và không phản ánh đúng bản chất sự việc. Đối với 12 giao dịch rút tiền, Sacombank có đầy đủ chứng từ có chữ ký nhận tiền của bà Hồ Thị Thùy Dương, bao gồm 9 phiếu nhận tiền mặt và 3 ủy nhiệm chi. Toàn bộ các tài liệu này đã được Sacombank chuyển giao cho Cơ quan Điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa.

Sau đó, bà Dương cho rằng mình bị "gài" khi thực hiện ký vay đáo hạn 5 tỉ đồng, ký thêm nhiều giấy tờ nghi ngờ xác nhận rút tiền. Hiện vụ việc vẫn còn đang trong quá trình xử lý.

Trường hợp bỗng dưng mất tiền trong sổ tiết kiệm của bà Hồ Thị Thùy Dương không phải diễn ra lần đầu. Năm 2018, bà Chu Thị Bình khởi kiện ngân hàng Eximbank xoay quanh việc bị Lê Nguyễn Hưng - nguyên Phó giám đốc Eximbank chi nhánh TP.HCM - giả mạo chữ ký, giấy tờ để rút số tiền 245 tỉ đồng của bà gửi tại Eximbank. Tại cơ quan điều tra và tại phiên tòa, bà Chu Thị Bình xác định có ký khống trên một số giấy tờ do ông Hưng và nhân viên Eximbank hướng dẫn để thực hiện giao dịch tài khoản. Bà ký trước và các nhân viên sẽ hoàn thành nội dung, thông tin sau. Đây là thông lệ qua nhiều lần làm việc với ngân hàng vì bà là khách hàng "VIP". Tuy nhiên, bà Bình khẳng định chưa bao giờ ký ủy quyền cho ai được rút tiền.

Một số giao dịch viên là bị cáo trong vụ án trên cũng thừa nhận hành vi phạm tội, khai rằng khách hàng liên quan đến vụ án đều là khách VIP của ngân hàng nên khi thực hiện giao dịch, các bị cáo thường bỏ qua nhiều trình tự, thủ tục theo quy định nhằm làm hài lòng khách hàng...

Tuyệt đối không ký sẵn chứng từ ngân hàng

Như vậy, có thể thấy một số vụ án liên quan đến việc mất tiền trong tài khoản hay sổ tiết kiệm bỗng dưng bị người khác rút mất có liên quan đến việc ký khống giấy tờ, giao dịch riêng...

Trên thực tế, vẫn có một số trường hợp đặc biệt với khách hàng VIP, thường được các nhân viên quen biết hỗ trợ mở tài khoản tiền gửi mà không đến ngân hàng thực hiện thủ tục theo quy định. Hoặc đôi khi, khách hàng VIP được vào phòng riêng để thực hiện các thủ tục cho giao dịch gửi hoặc rút tiền gửi cũng như ký các giấy tờ có liên quan.

Sau những vụ 'bỗng dưng' mất tiền từ sổ tiết kiệm, làm gì để tránh rủi ro? - Ảnh 2.

Không nên ký khống giấy tờ trống giao cho nhân viên ngân hàng kẻo có nguy cơ bị mất tiền

NGỌC THẮNG

Việc này vô cùng nguy hiểm vì trong nhiều trường hợp, nhân viên ngân hàng không nộp tiền vào tài khoản hoặc không đưa đẩy đủ các giấy tờ cần thiết cho khách hàng ký, hoặc sau ký xong giấy tờ giao dịch thì nhân viên ngân hàng vẫn có thể đánh tráo hồ sơ...

Do đó, để tránh rủi ro xảy ra, khách hàng gửi tiết kiệm nên thực hiện giao dịch tại quầy của các ngân hàng, nhất là với số tiền lớn. Khi giao dịch tại quầy, khách hàng sẽ được camera ghi hình và đây là bằng chứng rất tốt khi có sự cố xảy ra sau này.

Đồng thời, người gửi tiền tuyệt đối không nên ký sẵn chứng từ trống và đưa cho giao dịch viên hay nhân viên ngân hàng. Khách hàng chỉ ký vào các mẫu giấy tờ giao dịch về gửi hay rút, chuyển tiền của ngân hàng với nội dung rõ ràng ngay trước mặt nhân viên giao dịch.

Với các mẫu giấy trắng đã có chữ ký của khách hàng, nhân viên ngân hàng vẫn có thể điền thông tin vào đó nhằm rút tiền của khách hàng theo nhiều cách khác nhau.

Ngoài ra, ngay khi gửi tiền, khách hàng cần kiểm tra chi tiết thông tin trên sổ tiết kiệm, từ họ tên đến chứng minh nhân dân, số tiền gửi. Bởi khách hàng có thể gặp rủi ro khi nhân viên ngân hàng vô tình hay cố ý nhập sai số tiền, thấp hơn số tiền thực tế khách gửi. Nếu đã bước ra khỏi ngân hàng mới phát hiện sai sót thì có thể khách hàng đã bị rủi ro có thể mất tiền.

Hiện nay nhiều nhà băng đã mở dịch vụ tiết kiệm online với lãi suất thường cao hơn gửi tiết kiệm tại quầy. Vì vậy nếu mở sở tiết kiệm online thì khách hàng chú ý giao dịch đúng trên trang web của ngân hàng; các phương thức bảo mật giao dịch online hoặc kiểm tra tình trạng sổ tiết kiệm thường xuyên...


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.