Tại hội thảo quốc tế với chủ đề "Những vấn đề pháp lý liên quan đến phán quyết của Tòa trọng tài thành lập theo Phụ lục VII Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982" diễn ra ngày 23.7 tại TP.HCM, nhiều học giả trong nước và quốc tế đều thống nhất rằng phán quyết của Tòa trọng tài thường trực (PCA) về vụ kiện Biển Đông có tác động không nhỏ đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, ngoài việc tuyên bố không thừa nhận phán quyết này thì còn quá sớm để xác định những phản ứng của Trung Quốc ở mức nào.
Về khía cạnh chính trị, nhiều học giả đặt vấn đề rằng sau phán quyết của PCA, với sự bất mãn của mình liệu Trung Quốc có rút khỏi UNCLOS hay không?.
Giáo sư (GS) Donald Rothwell, Phó trưởng khoa Luật, ĐH quốc gia Úc cho rằng nếu Trung Quốc rút khỏi UNCLOS, Trung Quốc đã tự loại mình ra khỏi các cơ chế do UNCLOS điều chỉnh mà ở đó Trung Quốc được hưởng lợi, trong đó có thể kể đến hoạt động khai thác ở biển sâu.
Cũng với ý kiến tương tự, GS Gregory Rose ở Đại học Wollongong, Úc chia sẻ rằng, với lịch sử hơn 30 năm UNCLOS cũng đồng thời trở thành một tập quán quốc tế được các nước sử dụng rộng rãi, trong đó có cả những nước không tham gia công ước này như Mỹ. Bởi lẽ UNCLOS cung cấp những cơ sở bảo vệ tuyến đường thương mại trên biển nên các nước đều được hưởng lợi. Với lập luận đó, ông Rose cho rằng không nhiều khả năng Trung Quốc rút khỏi UNCLOS, thay vào đó Bắc Kinh sẽ chọn cách rút ra bài học từ những sai lầm sau vụ kiện của Philippines để giải quyết vấn đề trên biển.
tin liên quan
Tác động sau phán quyết vụ kiện Biển ĐôngCác chuyên gia tham gia hội thảo nhấn mạnh vai trò quan trọng của biện pháp pháp lý nhằm giải quyết các vấn đề tranh chấp trên biển; đánh giá phán quyết vụ kiện Biển Đông sẽ là nền tảng cho nhiều thay đổi ở khu vực.
Đánh giá về sai lầm của Trung Quốc, GS Hideo Yamagata, ĐH Nagoya, Nhật Bản nói rằng Trung Quốc đã tự đánh mất cơ hội của mình trong vụ kiện Biển Đông thông qua việc không tham gia vụ kiện và cùng với đó là không tính tới các vấn đề pháp lý phát sinh từ UNCLOS.
Vấn đề này cũng được nhìn nhận dưới góc độ của học giả Trung Quốc. Bà Guifang Xue, GS Luật quốc tế tại ĐH Giao thông Thượng Hải tại hội nghị về Biển Đông ở Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS - Mỹ) cho biết những người Trung Quốc theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan đã đề nghị Bắc Kinh cân nhắc rút khỏi UNCLOS. Mặc dù vậy, vấn đề rút khỏi UNCLOS chưa được chú trọng tại các chương trình nghị sự của các cơ quan có thẩm quyền liên quan.
Dưới góc nhìn của học giả Trung Quốc này, Trung Quốc đã được lợi khi tham gia vào UNCLOS và có nhiều lợi ích trong hoạt động khai khoáng biển sâu. Và nếu Trung Quốc rút khỏi UNCLOS thì vẫn bị ràng buộc bởi những cam kết và nghĩa vụ mà Trung Quốc tham gia trước đó.
Bình luận (0)