Thời cơ cho trái chuối
Hiện nay, đa phần sản lượng chuối của VN vẫn được xuất sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. Do phụ thuộc vào thương lái nên giá cả bấp bênh, chất lượng bảo quản kém, gây thiệt hại cho người nông dân. Đặc biệt, mua bán tiểu ngạch với thương nhân Trung Quốc thường giao dịch theo kiểu nợ gối đầu, nhận hàng rồi bán tới đâu mới thanh toán đến đó... Đây chính là rủi ro lớn cho các doanh nghiệp (DN) và người trồng chuối VN.
Thời cơ lớn cho trái cây VN từ các nghị định thư xuất khẩu chính ngạch chuối và sầu riêng sang Trung Quốc |
Union Trading |
Ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An, người được mệnh danh là “vua chuối”, một trong những người đầu tiên ở VN trồng chuối với diện tích lớn để xuất khẩu (XK), nói: “Trước nay VN cũng xuất chuối chính ngạch sang Trung Quốc. Nhưng với Nghị định thư mới (ký ngày 1.11) là sự tích hợp các quy định được bổ sung trong suốt hơn 10 năm qua vào một văn bản thống nhất. Điều này sẽ giúp nhà vườn, DN nắm bắt các tiêu chuẩn, quy định một cách rõ ràng, minh bạch. Nghị định thư giúp tăng cường giám sát và trách nhiệm truy xuất trong toàn bộ quy trình sản xuất. Trong thời gian qua, Bộ NN-PTNT cũng đã đẩy mạnh các hoạt động tổ chức sản xuất theo chuỗi để có thể truy xuất nguồn gốc và minh bạch sản phẩm theo từng khâu. Các DN cũng hướng đến sản xuất theo các tiêu chuẩn chất lượng để không chỉ XK sang Trung Quốc mà nhiều thị trường cao cấp khác”.
Đồng quan điểm, ông Lý Minh Hùng, Giám đốc HTX Thanh Bình (H.Trảng Bom, Đồng Nai), nhận định: Hiện nay mùa vụ chuối ở Trung Quốc sắp kết thúc, trong khi tại Đồng Nai và nhiều địa phương ở VN đang vào vụ. Nghị định thư được ký kết vào thời điểm này rơi đúng thời điểm vàng của cả hai phía.
“Với tín hiệu lạc quan về mặt chính sách, tôi tin rằng giá cả vụ chuối năm nay có thể duy trì mức cao và kéo dài hơn bình thường. Hiện nay giá chuối XK đang tốt và cao hơn trung bình mọi năm khoảng 2.000 đồng/kg. Trung Quốc là thị trường lớn nên có sức bật rất mạnh, gần đây các khách hàng từ các thị trường như Malaysia hay các nước Trung Đông cũng tích cực mua hàng hơn. Chính vì vậy mà thời điểm này thị trường XK chuối của VN khá nhộn nhịp, khách hàng tìm đến cũng nhiều hơn”, ông Hùng thông tin.
Theo đại diện Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), Nghị định thư XK chuối sang Trung Quốc được ký kết sẽ mang lại lợi ích cho người trồng chuối và XK chuối của VN. Theo đó, việc ký Nghị định thư sẽ đảm bảo việc XK chuối chính thức sang Trung Quốc ổn định, bền vững; đảm bảo đầu ra và giá cả ổn định; từ đó chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, mang lợi ích cho người trồng chuối.
Đặc biệt, thực hiện tốt nội dung của Nghị định thư sẽ giảm tỷ lệ kiểm tra, kiểm dịch thực vật tại cửa khẩu, thông quan nhanh chóng, tạo thuận lợi cho nhà XK, góp phần giảm ùn tắc ở cửa khẩu. Ngoài ra, việc XK chuối chính ngạch, sản phẩm chuối sẽ được tiêu chuẩn hóa, thúc đẩy quy mô lớn hơn, đảm bảo uy tín cho chuối của VN XK sang Trung Quốc.
Sầu riêng sớm trở thành sản phẩm tỉ USD
Tương tự, cơ hội lớn đang mở ra với người trồng sầu riêng VN. Những ngày đầu tháng 11.2022, các nông dân xã viên HTX Xuân Định, TP.Long Khánh (Đồng Nai) đang tích cực chăm sóc vườn trồng để chuẩn bị lô hàng XK chính ngạch sang Trung Quốc. Là 1 trong 51 đơn vị vừa được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp mã số vùng trồng XK, bà Đặng Thị Thúy Nga, Giám đốc HTX Xuân Định, hồ hởi cho biết: “Hiện 99% diện tích cây sầu riêng trên địa bàn xã được trồng bằng các giống mới như: Ri6, Thái Lan, Chín Hóa… Cùng với sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, phần lớn nhà vườn đã áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm, giúp giảm chi phí công lao động và tiết kiệm lượng nước tưới, tăng năng suất và độ đồng đều của trái. Nhờ canh tác bài bản, chú trọng hướng hữu cơ cùng nguồn nguyên liệu đủ lớn đã mở ra cơ hội để chúng tôi XK sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc”.
Tại H.Vĩnh Cửu (Đồng Nai), theo ông Nguyễn Trần Phước Lộc, Trưởng phòng NN-PTNT huyện: “H.Vĩnh Cửu có tổng diện tích trồng sầu riêng hơn 1.400 ha với tổng sản lượng 22.000 tấn/năm. Huyện đã quy hoạch theo từng vùng trồng sầu riêng phù hợp đất đai thổ nhưỡng và vận động người dân tham gia sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, tham gia các hình thức liên kết hợp tác trồng sầu riêng với DN tiêu thụ theo chuỗi giá trị, hướng đến sản xuất bền vững. Từ sau khi có thông tin sầu riêng được XK chính ngạch sang Trung Quốc, nhiều khách hàng cũng tìm đến đặt hàng nhiều hơn”.
Ông Hồ Thái Bảo, Giám đốc HTX Cây ăn trái Thanh Bình (xã Thanh Hòa, TX.Cai Lậy, Tiền Giang), vui vẻ thông báo: “Hiện tại vườn sầu riêng 1,5 ha của tôi đã 8 năm tuổi, đang bắt đầu cho thu hoạch. Dự kiến năng suất bình quân đạt 20 tấn/ha. Năm nay tôi rất phấn khởi vì làm theo quy trình quản lý dịch hại của cán bộ địa phương hướng dẫn nên sầu riêng được mùa. Sầu riêng vừa được XK chính ngạch sang Trung Quốc nên được giá hơn. Các thương lái đang thu mua xô sầu riêng tại vườn với giá từ 75.000 đồng/kg. Với giá này, trừ hết chi phí có thể thu về hơn 1 tỉ đồng/ha”.
Là một trong những DN XK những lô sầu riêng tươi chính ngạch đầu tiên sang Trung Quốc, bà Ngô Tường Vy, Tổng giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (Bến Tre), nhận định: “Sầu riêng VN phù hợp khẩu vị và có giá cả rất cạnh tranh so với các sản phẩm cùng loại của Thái Lan và Malaysia, nên tôi cho rằng thời gian tới sẽ tiếp tục phát triển mạnh. Tuy nhiên vấn đề hạn chế là mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói còn ít so với diện tích và sản lượng của VN”. Theo bà Vy, trong khi thị trường có nhu cầu cao về số lượng mà chúng ta cung cấp còn hạn chế. Chính vì vậy, thời gian tới các ngành chức năng của VN và Trung Quốc cần tăng cường hợp tác và đẩy mạnh việc kiểm tra cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói để phục vụ tốt hơn cho nhu cầu thương mại của cả hai phía.
Cơ hội chiếm lĩnh thị trường
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả VN (Vinafruit): “Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất thế giới. Nếu làm tốt, sầu riêng của VN sẽ sớm trở thành sản phẩm tỉ USD, thậm chí vượt qua Thái Lan ở thị trường trọng điểm này”.
Ông Nguyên dẫn ra 3 lý do quan trọng: Thứ nhất, đặc điểm nổi bật mà các “đối thủ” e ngại là sầu riêng của VN gần như có quanh năm, trải dài từ ĐBSCL đến Tây nguyên; trong khi Thái Lan chỉ có một vụ mỗi năm. Thứ hai là vị trí địa lý. VN chỉ mất từ 1,5 - 2 ngày là có thể đưa hàng đến chợ ở Trung Quốc. Đây là lợi thế mà Thái Lan và Malaysia không có được. Thời gian vận chuyển ít, chi phí thấp giúp sầu riêng VN cạnh tranh tốt hơn với sản phẩm các nước. Trong vài năm tới, khi có nhiều mã số vùng trồng và đóng gói được cấp phép tại VN có thể tạo thành một “làn sóng” trên thị trường Trung Quốc. Thứ ba là tập quán thu hái và tiêu dùng. Người Thái có thói quen ăn sầu riêng vừa chín tới còn hơi “cứng”, trong khi người Việt và Trung Quốc lại có cùng sở thích ăn sầu riêng chín mềm. Sự khác biệt này cũng là lợi thế của VN. Tuy Thái Lan cũng đã có những kế hoạch thay đổi thói quen thu hái để phục vụ XK nhưng họ cũng cần thêm thời gian và kinh nghiệm.
“Sau thanh long thì quả sầu riêng của VN có nhiều cơ hội trở thành sản phẩm tỉ USD”, ông Nguyên một lần nữa khẳng định.
TS Ngô Xuân Nam, Phó giám đốc Văn phòng SPS VN, cho rằng nông sản XK của VN luôn tăng trưởng tốt trong nhiều năm qua, đây là điều đáng mừng khi thế giới đang phải đối mặt với nhiều bất ổn, đặc biệt là sự bất thường của khí hậu. Tuy nhiên để giữ vững đà tăng trưởng này, chúng ta cần quan tâm nhiều hơn đến chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.
“Bà con nông dân, HTX, cộng đồng DN và hiệp hội ngành hàng cần nâng cao hơn nữa nhận thức về kiểm soát, đảm bảo an toàn thực phẩm. Người dân là chủ thể đầu tiên và trực tiếp gieo hạt thóc xuống ruộng, thả con cá dưới ao. Đó là điểm khởi đầu của chuỗi giá trị nông sản và cũng là đối tượng cần hỗ trợ nhiều nhất từ các cơ chế, chính sách, để giúp nông nghiệp VN phát triển xanh, bền vững”.
TS Ngô Xuân Nam, Phó giám đốc Văn phòng SPS VN
Bình luận (0)