Sầu riêng loạn giá, vì đâu?

16/05/2024 06:27 GMT+7

Giá sầu riêng nội địa hiện phổ biến từ 50.000 - 120.000 đồng/kg, nhưng tại một số cửa hàng ở TP.HCM giá lên tới 200.000 - 300.000 đồng/kg. Tình trạng này khiến dân ghiền sầu riêng ở các thành phố lớn hoang mang không biết đâu là giá thật, liệu có bị hớ hàng khi chốt đơn?

Mua rẻ thì lo, đắt sợ hớ

Đó là tâm lý của dân ghiền sầu riêng hiện nay trước bối cảnh giá nào cũng có trên thị trường. Chị Nguyễn Phương Mai (ngụ Q.10, TP.HCM) cho biết: Mua sầu riêng thật sự là một thách thức không nhỏ vì những mối quen có giá thấp nhất cũng 100.000 - 120.000 đồng/kg, thậm chí những cửa hàng lớn có giá đến 200.000 - 300.000 đồng/kg tùy giống và hình thức thu hoạch là chín rụng tự nhiên hay thu hái. 

Bên cạnh các giống sầu riêng được trồng tại VN thì những sản phẩm sầu riêng Thái Lan, Malaysia nhập khẩu cũng có giá đến 500.000 - 600.000 đồng/kg. Trong khi đó, trên một số phương tiện truyền thông lại báo giá sầu riêng giảm mạnh, giảm sâu chỉ còn 50.000 - 60.000 đồng/kg.

Việc cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói chậm có nguy cơ ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu trong những tháng cuối năm 2024

Việc cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói chậm có nguy cơ ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu trong những tháng cuối năm 2024

Hoàng Nguyễn

"Là người có kinh nghiệm ăn sầu riêng nhiều năm, nhưng thật sự tôi không biết đâu là giá thật. Để đảm bảo tình yêu với sầu riêng, mình toàn phải lựa mua ở những chỗ uy tín, giá trên 100.000 đồng/kg vì sợ mua phải những sản phẩm kém chất lượng. Dù vậy, phải bỏ ra số tiền cao gấp đôi thì tôi lại sợ bị hớ giá mà chưa chắc ngon hơn", chị Mai chia sẻ.

Khảo sát giá với anh Lê Trường Giang, chủ vườn sầu riêng Tám Long (diện tích khoảng 30 ha, ở xã Long Kiến, H.Chợ Mới, An Giang), thì được biết: Cách đây hơn một tháng, vườn của anh vừa thu hoạch xong đợt 1, giá bán 120.000 đồng/kg, còn hiện tại giá chỉ quanh mức 50.000 đồng/kg với giống Ri 6. "Vườn chúng tôi sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn của VN và cũng đã có mã số xuất khẩu đi Trung Quốc. Ngoài việc bán trực tiếp cho thương lái, chúng tôi cũng xây dựng thương hiệu sầu riêng Tám Long để phục vụ thị trường nội địa. Sầu riêng xuất khẩu tuy có số lượng lớn nhưng giá bán khá bấp bênh; trong khi thị trường nội địa nếu bảo đảm về chất lượng có thể duy trì mức giá ổn định 120.000 đồng/kg suốt cả vụ", anh Giang giải thích.

Vì thị trường nội địa ổn định nên nhiều nhà vườn cũng tập trung vào phân khúc này. Chị My, đại diện cửa hàng Sầu riêng Cù Lao ở Bến Tre (kinh doanh online), bán hàng nhà trồng nên số lượng có hạn. Sản phẩm chuẩn xuất khẩu với trọng lượng từ 2 - 4 kg/trái (bao ăn) và chốt giá suốt mùa là 125.000 đồng/kg với giống Ri 6 và 165.000 đồng/kg giống chuồng bò. "Chúng tôi đã tập trung vào phân khúc này trong mấy năm gần đây. Phân khúc này chủ yếu bán lẻ và phục vụ khách quen", chị My nói.

Trong khi các tỉnh miền Tây sắp bước qua vụ thu hoạch thì các tỉnh miền Đông và nam Tây nguyên lại chuẩn bị vào vụ. Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp Đạ M'ri (H.Đạ Huoai, Lâm Đồng), cho biết: Tại địa phương, những trái sầu riêng đầu mùa cũng bắt đầu chín, khoảng 20 - 30 ngày nữa là bắt đầu vào vụ rộ. Hiện tại giá sầu riêng thương lái mua xô tại vườn với giống Ri 6 từ 50.000 - 55.000 đồng/kg, còn giống Dona từ 70.000 - 74.000 đồng/kg. "Dù năm nay nắng nóng kéo dài khiến khô hạn gay gắt làm suất đầu tư tăng khoảng 70% và sản lượng mỗi vườn giảm 30 - 40%, nhưng đây là mức giá đủ tốt để nhà vườn trồng sầu riêng có lãi cũng như yên tâm sản xuất", ông Sơn cho biết.

Theo các chuyên gia và doanh nghiệp, hiện tại sầu riêng đang vào vụ thu hoạch chính trong năm. Thời điểm này không chỉ VN mà cả Thái Lan cũng có hàng nên giá giảm là điều bình thường. Không thể so sánh giá sầu riêng hiện tại với giai đoạn sầu riêng vụ nghịch hồi đầu năm nay. Tuy nhiên, ngoài vấn đề cung - cầu của thị trường thì chất lượng sầu riêng của VN cũng cần được cải thiện vì theo quy luật giá cả thường đi đôi với chất lượng.

Lo xuất khẩu ách tắc vì cấp mã số chậm

Có một thực tế là chất lượng sầu riêng của VN thời gian qua chưa được quản lý tốt do chưa có công cụ hữu hiệu. Tình trạng thu hái sầu riêng non chưa đủ tuổi vẫn còn phổ biến. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng có nhiều lô hàng sầu riêng nhận được cảnh báo vi phạm về kiểm dịch thực vật và cảnh báo an toàn thực phẩm trong thời gian qua. Việc này nếu không được quyết liệt xử lý thì nguy cơ toàn bộ ngành hàng sầu riêng của VN bị nước nhập khẩu xem xét áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn, thậm chí là tạm dừng nhập khẩu, đặc biệt là thị trường Trung Quốc.

Thị trường sầu riêng nội địa có sức tiêu thụ mạnh, giá tốt

Thị trường sầu riêng nội địa có sức tiêu thụ mạnh, giá tốt

M.Đ

Để giải quyết vấn đề này, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả VN (VINAFRUIT), đề xuất: Vấn đề trước mắt là công tác cấp mã số vùng trồng và mã cơ sở đóng gói hiện nay còn chậm so với nhu cầu và quy mô sản xuất của VN. Việc này sẽ làm ngành sầu riêng VN gặp nhiều khó khăn lúc xuất khẩu vào những tháng cuối năm 2024 khi kim ngạch được kỳ vọng từ 3 tỉ USD trở lên. 

Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng sầu riêng VN cần xây dựng ngay tiêu chuẩn/quy chuẩn quốc gia cho từng sản phẩm như sầu riêng tươi, đông lạnh, sấy khô và cho từng giống sầu riêng để các cơ quan chức năng có cơ sở để kiểm tra chất lượng chính xác, khách quan. Mặt khác cần quy định rõ chỉ có sầu riêng nào được phép xuất khẩu để bảo vệ thương hiệu quốc gia, tránh xuất khẩu tràn lan các giống không có uy tín.

Ông Hoàng Trung, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, nhận định: Đảm bảo chất lượng sầu riêng xuất khẩu là nhiệm vụ hàng đầu của ngành hàng này hiện nay. Các cơ quan chuyên môn của bộ cần phối hợp với các địa phương rà soát lại những vùng trồng sầu riêng, xem những nơi nào phù hợp để tiếp tục phát triển cây trồng này, rà soát lại toàn bộ quy trình canh tác sầu riêng. Cần phải xây dựng bộ tiêu chuẩn quốc gia mới cho trái sầu riêng tươi. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, giám sát và xử lý những cơ sở vi phạm. Các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói để phục vụ hoạt động xuất khẩu. Bên cạnh đó, phải tăng cường giám sát tất cả các mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói để đảm bảo việc duy trì chất lượng theo đúng yêu cầu của thị trường cũng như nghị định thư mà chúng ta đã ký kết. 

Diện tích tăng nhanh, cấp mã số tăng chậm

Năm 2023, VN có khoảng 110.000 ha trồng sầu riêng, sản lượng khoảng 1,2 triệu tấn; tăng gấp hơn 2 lần cả về diện tích và sản lượng so với năm 2018; xuất khẩu trên 600.000 tấn, đạt kim ngạch 2,2 tỉ USD. Năm 2024, diện tích trồng sầu riêng đạt 150.000 ha, sản lượng dự kiến đạt 1,5 triệu tấn. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại VN mới cấp được 708 mã số vùng trồng và 168 cơ sở đóng gói đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.

Trong 4 tháng đầu năm, xuất khẩu sầu riêng đã đạt trên 500 triệu USD, tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự báo xuất khẩu sầu riêng năm nay tiếp tục tăng trưởng tốt, có thể đạt trên 3 tỉ USD nhờ nhu cầu cao từ thị trường Trung Quốc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.