Sầu riêng Thái Lan vào mùa thu hoạch, Việt Nam có bị ảnh hưởng?

31/05/2023 16:55 GMT+7

Sầu riêng Thái Lan đang chuẩn bị thu hoạch rộ, thị trường Việt Nam lại đang nảy sinh tranh cãi khi thương lái muốn mua giá thấp mà chủ vườn kiên quyết neo giá cao hơn.

Sầu riêng Thái Lan vào mùa thu hoạch, Việt Nam có bị ảnh hưởng? - Ảnh 1.

Sầu riêng đang hút hàng nên các chủ vườn kiên quyết bán giá cao, trong khi "cò, lái" muốn chốt được giá thấp

Đ.Đ

Lại rộ tin đồn "rớt giá" 

Mấy ngày gần đây, một số vựa sầu riêng cho biết rất khó khăn trong việc thu mua do thị trường lên xuống bất thường, sầu riêng thời điểm hiện tại không còn nhiều nhưng một số vùng sẽ thu hoạch trong 1 - 2 tháng tới, cùng thời điểm thu hoạch với Thái Lan nên khả năng giá sẽ xuống thấp. "Các nhà vườn chuẩn bị thu hoạch lại kiên quyết không giảm giá, họ chào giá mua xô 82.000 đồng/kg cho 1 tháng tới, trong khi giá hiện tại khoảng 73.000 đồng/kg. Như vậy có thể thấy rủi ro cho các vựa nếu chốt giá quá cao, đến lúc bán lại bị rớt giá", Hồng Dương, một người chuyên mua bán sầu riêng vùng Đông Nam bộ, chia sẻ. 

Tuy nhiên, thông tin sầu riêng "tụt giá", "rớt giá" khi Thái Lan sắp thu hoạch đang gặp phản ứng trái chiều của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu và cả các chủ vựa lớn. Theo khảo sát, giá sầu riêng sau giai đoạn đỉnh điểm gần 200.000 đồng/kg đã được điều chỉnh về mức 71.000 - 73.000 đồng/kg. Cụ thể, sầu riêng Ri-6 loại 1 giá 73.000 đồng/kg (đơn hàng trên 5 tấn), sầu riêng Thái Lan 20 ngày nữa thu hoạch, giá hiện tại từ 80.000 đồng trở lên. Anh Trương Văn Hiền, doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng tại TP.HCM cho biết: "Hiện nay nhu cầu xuất khẩu sầu riêng đang cao, tối nào công nhân công ty chúng tôi cũng làm xuyên đêm để đóng hàng cho kịp giao khách. Giá bán cũng khá cao, khách không hề o ép, mặc cả. Thị trường xuất hiện thông tin Thái Lan thu hoạch rộ, cạnh tranh giá bán với Việt Nam, tôi cho rằng đây là tin chưa chính xác của các đối tượng cò mồi, trung gian sang tay để kiếm lợi. Người dân làm ra trái sầu riêng rất cực khổ, bán được giá cao là điều đáng mừng, không nên nghe theo các tin đồn gây hoang mang". 

Trao đổi với Thanh Niên, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết: "Mặt hàng sầu riêng đang tăng trưởng khá mạnh, đóng góp lớn vào kim ngạch của toàn ngành rau quả nói chung. Dù mới chính thức xuất khẩu từ tháng 11 năm ngoái nhưng năm nay mặt hàng này dự kiến sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu 1 tỉ USD". 

Theo Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, tình hình xuất khẩu sầu riêng tăng mạnh đã gây ùn ứ cục bộ tại cửa khẩu Hữu Nghị và hai bên phải bàn bạc để mở riêng cửa khẩu Tân Thanh ưu tiên cho mặt hàng sầu riêng xuất sang Trung Quốc, giảm áp lực cho các cửa khẩu còn lại. 

Có nên ồ ạt trồng sầu riêng? 

Sầu riêng Thái Lan vào mùa thu hoạch, Việt Nam có bị ảnh hưởng? - Ảnh 2.

Diện tích trồng sầu riêng đang tăng trưởng "nóng"

HOÀNG QUYÊN

Sau khi sầu riêng và một số loại nông sản, trái cây được Trung Quốc nhập khẩu chính ngạch, giá cao và hút hàng, nhiều người đổ xô vào trồng. Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), tình trạng phát triển nóng cây sầu riêng không phải là câu chuyện mới mà đã từng xảy ra với rất nhiều loại cây trồng khác. Ví dụ như quy hoạch hồ tiêu đến năm 2020 là 50.000 ha nhưng đến năm 2017 - 2018 đã đạt 120.000 ha. Việc phát triển quá nóng hồ tiêu là bởi khi đó giá thành sản xuất hồ tiêu chỉ khoảng 40.000 đồng/kg nhưng giá bán ra rất lời, khoảng 200.000 đồng/kg. Vì thấy có lời cao, người dân đổ xô vào trồng hồ tiêu, trồng ở cả những vùng không phù hợp, lại không có sự đầu tư tương xứng dẫn đến cung vượt cầu, nhiều nông dân từ tỉ phú thành trắng tay, thành con nợ. Nhiều vùng hồ tiêu từ khung cảnh trù phú sau đó chỉ còn xác xơ, tiêu điều.

Bài học tiếp theo là trái thanh long và gần nhất là câu chuyện trái cam. Các mặt hàng sầu riêng, chanh dây… cũng đang phát triển nóng nên cần phải cảnh báo. Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, phân tích: "Tôi đánh giá thị trường sầu riêng trong vài năm tới vẫn phát triển rất tốt, giá trị cao với hàng tỉ USD. Thế nhưng ngay ở thời điểm hiện tại, chúng ta vẫn đang chịu sự cạnh tranh rất khốc liệt với mặt hàng cùng loại từ các đối thủ như Thái Lan, Malaysia, Philippines.

Không chỉ vậy, một số thông tin cho rằng các nhà đầu tư Trung Quốc đang phối hợp với Lào xây dựng vùng sầu riêng ở Lào với diện tích lên tới 30.000 ha. Nhật Bản với Malaysia cũng ký hợp tác ghi nhớ phát triển 1.000 ha sầu riêng ở Malaysia. Ngoài ra, Trung Quốc đã có những nghiên cứu thành công về phát triển sầu riêng và thực tế đã phát triển được mấy ngàn hecta.

"Từ những yếu tố trên cho thấy, Việt Nam sẽ phải cạnh tranh rất khốc liệt với các nước. Vì vậy, nếu chúng ta cứ phát triển nóng như thế này, không quan tâm đến các định hướng phát triển của Bộ NN-PTNT, không áp dụng các quy trình canh tác tốt từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ, liên kết thì chúng ta sẽ thua. Chúng ta phải xác định rằng không phải chúng ta một mình một sân mà sẽ phải chịu sự cạnh tranh rất khốc liệt ở mặt hàng này", ông Nguyễn Như Cường nhận định. 

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng thị trường tiêu thụ trong nước cũng rất tiềm năng, nếu chỉ chăm chăm vào xuất khẩu, "của ngon đem bán cho người" và không quan tâm thị trường nội địa thì tương lai thị trường sầu riêng Việt Nam sẽ vào tay Thái Lan, Malaysia…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.