'Sâu tai' là gì mà chuyên gia khuyên không nghe nhạc trước khi đi ngủ?

20/06/2021 01:12 GMT+7

Nhiều người có sở thích nghe nhạc trước khi đi ngủ. Thế nhưng, thói quen này có thể làm gián đoạn giấc ngủ, khiến họ khó có giấc ngủ ngon. Nguyên nhân của tình trạng này không phải ai cũng biết.

Khi nghe nhạc quá gần giờ đi ngủ, người nghe dễ trải qua một hiện tượng gọi là “sâu tai” (earworm), tức một bài hát liên tục lặp đi lặp lại trong tâm trí một cách không chủ ý. Sâu tai có thể xuất hiện khi nghe nhạc có lời và không lời. Đoạn bài nhạc lặp lại liên tục trong đầu thường là đoạn hay nhất, theo Science Daily.
Đây chính là nguyên nhân khiến việc nghe nhạc trước khi ngủ sẽ tác động tiêu cực đến giấc ngủ, các nhà khoa học tại Đại học Baylor (Mỹ) tiết lộ trong nghiên cứu mới đây.
Nghiên cứu so sánh chất lượng giấc ngủ của những người bị sâu tai và những người không bao giờ gặp tình trạng này. Các nhà khoa học đã thực hiện rất nhiều phương pháp nghiên cứu khác nhau, từ khảo sát về chất lượng giấc ngủ, thói quen nghe nhạc, tần suất họ bị sâu tai đến các thực nghiệm trong phóng thí nghiệm.
Kết quả cho thấy những người nghe nhạc nhiều, đặc biệt là lúc trước khi ngủ, có thể đối mặt với tình trạng sâu tai dai dẳng vào ban đêm. Điều này có nghĩa là trong đầu họ liên tục lặp đi lặp lại giai điệu của bài hát nào đó đến mức khiến họ rất khó chìm vào giấc ngủ, giật mình vào ban đêm nhiều hơn. Chất lượng giấc ngủ của họ cũng kém hơn 6 lần so với người bình thường.
“Phần lớn mọi người đều nghĩ rằng nghe nhạc giúp họ dễ ngủ hơn nhưng nghiên cứu của chúng tôi cho thấy những người nghe nhạc nhiều sẽ ngủ kém hơn”, phó giáo sư Michael Scullin, chuyên gia tâm lý và khoa học thần kinh tại Đại học Baylor (Mỹ), cho biết.
Các nhà khoa học cũng khuyến cáo cách dễ nhất để loại bỏ tình trạng sâu tai là hướng sự tập trung vào một nhiệm vụ hoặc hoạt động nào đó. Cách này có thể hướng sự chú ý của não bộ khỏi vòng lặp các bài hát cứ tua đi tua lại trong đầu. Chẳng hạn, mọi người có thể dành khoảng 5 đến 10 phút để viết ra giấy danh sách những việc cần làm, những suy nghĩ trong đầu, theo Science Daily.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.