Nhịp sinh học chịu tác động lớn từ ánh sáng mặt trời và nhiệt độ. Muốn khôi phục lại nhịp sinh học của cơ thể, giấc ngủ đóng vai trò rất quan trọng, theo chuyên san sức khỏe Healthline (Mỹ).
Thức khuya nhiều trong những ngày nghỉ tết có thể ảnh hướng đến nhịp sinh học |
SHUTTERSTOCK |
Có 2 loại hoóc môn quan trọng ảnh hưởng đến giấc ngủ là melatonin và cortisol. Melatonin còn được gọi là hoóc môn ngủ. Cơ thể sẽ tiết ra hoóc môn này khi đến giờ đi ngủ. Với một người có nhịp sinh học bình thường, melatonin sẽ tăng lên vào ban đêm và giảm xuống vào buổi sáng.
Trong khi đó, cortisol là hoóc môn căng thẳng. Với giấc ngủ, loại hoóc môn này khiến chúng ta tỉnh táo. Ở người có nhịp sinh học bình thường, cortisol sẽ tăng lên vào ban ngày và giảm xuống vào ban đêm.
Nếu thức khuya nhiều vào dịp tết thì nhịp sinh học sẽ bị ảnh hưởng, nồng độ melatonin và cortisol vào một số thời điểm trong ngày cũng sẽ cao thấp thất thường. Tình trạng này khiến cơ thể khó ngủ vào ban đêm và dễ mệt mỏi, buồn ngủ vào ban ngày.
Để điều chỉnh lại nhịp sinh học khi nghỉ tết kết thúc, mọi người cần tiếp xúc nhiều với ánh sáng mặt trời. Vào mỗi sáng thức dậy, hãy dành chút thời gian để tắm nắng. Cách này không chỉ giúp điều chỉnh nhịp sinh học mà còn giúp da tạo vitamin D.
Mọi người cũng có thể tranh thủ ra ngoài trời đi bộ trong những khoảng thời gian khác trong ngày. Ví dụ, vào giờ nghỉ trưa, bạn có thể đi bộ nhanh khoảng 5 phút hoặc ngồi trước cửa sổ. Tất cả những việc này đều tăng cường tiếp xúc với ánh sáng mặt trời và giúp nhịp sinh học sớm trở lại bình thường.
Nếu ngày hôm đó bạn quá bận rộn hoặc trời ít nắng thì có thể sử dụng một cách khác để sớm khôi phục lại nhịp sinh học. Đó là tập thể dục. Mọi người hoàn toàn có thể kết hợp tập thể dục với tắm nắng buổi sáng bằng cách đi bộ, chạy bộ dưới nắng sớm.
Một cách khác để thiết lập lại đồng hồ sinh học là chú ý đến thời điểm ăn trong ngày. Khoảng cách giữa bữa sáng và bữa tối không nên dài quá 12 tiếng. Đặc biệt, bữa ăn tối cần cách giờ đi ngủ ít nhất 3 tiếng, theo Healthline.
Bình luận (0)