Sau tết, người dân đi tiêm vắc xin phòng dại tăng cao đến 300%

04/02/2023 04:00 GMT+7

Trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán 2023 (từ ngày 20 - 26.1), Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM đã tiêm 1.365 mũi vắc xin phòng dại cho người bị chó, mèo cắn, cào.

Ngày 3.2, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC cũng cho biết ngay trong tuần đầu hoạt động trở lại sau Tết Nguyên đán 2023, VNVC với 101 trung tâm trên toàn quốc ghi nhận số người dân đến tiêm vắc xin dại tăng hơn 300% so với tháng trước tết. Đặc biệt tại các VNVC khu vực miền Trung, Tây nguyên, số lượng được ghi nhận tăng gần 300% so với cùng kỳ tháng trước. Các tỉnh miền Đông Nam bộ và TP.HCM tháng 1.2023 ghi nhận hơn 5.000 lượt tiêm vắc xin dại, tăng 25% so với tháng 12.2022 và tăng 400% so với tháng 11.2022.

Theo đại diện VNVC, việc tăng nhu cầu sử dụng vắc xin dại năm nay sớm hơn mọi năm và tăng cao ngay cả khi chưa phải cao điểm mùa nắng nóng.

Lý giải cho tình trạng này, bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc y khoa VNVC, cho biết trong dịp tết nhiều người đi chúc tết đã không may bị chó, mèo cắn, cào hoặc liếm vào vết thương hở. Nhận thức của người dân về bệnh dại cũng đã tăng cao nên chủ động tìm đến trung tâm tiêm chủng để được tiêm vắc xin kịp thời.

Sau tết, người dân đi tiêm vắc xin phòng dại tăng cao đến 300%  - Ảnh 1.

Người dân đi tiêm vắc xin phòng bệnh dại tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM sau tết

DUY TÍNH

Bác sĩ Bạch Thị Chính khuyến cáo: Sau khi bị động vật nghi dại cắn, cào, liếm thì phải tiêm ngừa dại càng sớm càng tốt để cơ thể kịp sinh kháng thể ngăn chặn sự tấn công của vi rút dại. Đặc biệt, vết thương ở đầu, mặt, cổ thì càng phải tiêm sớm nhất có thể vì đây là những vị trí gần với não bộ, hoặc các bộ phận tập trung nhiều dây thần kinh như đầu chi, bộ phận sinh dục. Một khi vi rút xâm nhập sâu vào não bộ, người bệnh sẽ có biểu hiện mất ngủ, sợ ánh sáng, sợ tiếng động, sợ gió, mắt long sòng sọc, tăng tiết nước bọt, hạ huyết áp, không thể uống nước, không nuốt được, ăn uống trở nên cực kỳ khó khăn và tử vong chỉ sau 1 - 7 ngày kể từ khi phát bệnh. Hiện nay bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, vì vậy 100% người mắc bệnh dại sẽ tử vong khi đã xuất hiện các triệu chứng. Tuy nhiên, nhiều người vẫn còn tâm lý chủ quan không tiêm vắc xin hoặc tiêm vắc xin dại rất trễ, nhiều người đợi chó, mèo chết rồi mới đi tiêm.

Đặc biệt nguy hiểm vì hiện nay nhiều người dân vẫn còn có quan niệm vết thương chảy máu mới gây dại, bệnh dại có thể chữa bằng thuốc nam, đắp lá cây, đi thầy lang lấy độc hoặc sẵn sàng từ chối tiêm vắc xin dại vì sợ vắc xin dại làm mất trí nhớ, kém thông minh...

Các chuyên gia khẳng định: Hiện nay chưa có một bài thuốc Đông y nào được nghiên cứu và công bố có thể chữa được bệnh dại, việc thực hiện các biện pháp này là không có tác dụng. Cách phòng ngừa và điều trị bệnh dại duy nhất là tiêm vắc xin ngừa dại và huyết thanh kháng dại.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.