"Hôm nay, tôi đứng đây trước mặt quý vị với tư cách là vua của quý vị và là một phần của chính phủ. Hôm nay, tôi tự mình nói lời xin lỗi", Vua Willem-Alexander phát biểu giữa những tiếng cổ vũ tại một sự kiện ở Amsterdam ngày 1.7. Sự kiện đánh dấu 150 năm kể từ khi chế độ nô lệ hoàn toàn bị xóa bỏ ở các thuộc địa cũ của Hà Lan, theo AFP.
"Việc buôn bán nô lệ và chế độ nô lệ đã được công nhận là tội ác chống lại loài người. Các vị quân chủ và người cai trị của Nhà Orange (Hoàng gia Hà Lan) đã không có hành động nào để chống lại việc này... Hôm nay, tôi cầu xin sự tha thứ vì việc vô cùng rõ ràng là chúng tôi đã không hành động, vào ngày mà chúng ta nghĩ về chế độ nô lệ ở Hà Lan", nhà vua nói.
Nhà vua lên tiếng xin lỗi sau khi Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte làm điều tương tự vào cuối năm ngoái. Những lời xin lỗi xuất hiện trong bối cảnh nhiều nước phương Tây nhìn nhận lại lịch sử khai thác thuộc địa của mình, xu hướng được thúc đẩy bởi phong trào chống bạo lực và phân biệt chủng tộc đối với người da màu mang tên "Black Lives Matter" trong những năm gần đây.
Theo AP, chế độ nô lệ bị xóa bỏ trên giấy tờ tại Suriname và các thuộc địa của Hà Lan ở vùng Caribe vào ngày 1.7.1863, nhưng hầu hết người lao động bị bắt làm nô lệ phải tiếp tục làm việc trong các đồn điền thêm 10 năm nữa. Sự kiện hôm nay ở Amsterdam đánh dấu khởi đầu của một năm đầy ắp các sự kiện kỷ niệm cột mốc 150 năm kể từ ngày 1.7.1873.
Nghiên cứu được công bố vào tháng trước cho thấy tổ tiên của Vua Willem-Alexander đã kiếm được số tiền tương đương 545 triệu euro thời nay từ các hoạt động khai thác nô lệ trong quá khứ.
Khi Thủ tướng Rutte xin lỗi vào tháng 12.2022 vì vai trò của Hà Lan trong các hoạt động buôn bán và khai thác nô lệ, ông đã không đưa ra đề nghị bồi thường cho con cháu của những người bị bắt làm nô lệ. Thay vào đó, chính phủ Hà Lan có kế hoạch thành lập một quỹ trị giá 200 triệu euro cho các sáng kiến giải quyết di sản của chế độ nô lệ ở Hà Lan và các thuộc địa cũ của nước này, đồng thời nâng cao nhận thức về vấn đề này.
Đại học Cambridge liên quan đến đường dây buôn nô lệ sang châu Mỹ?
Nỗ lực đó là không đủ đối với một số người ở Hà Lan. Hai nhóm Black Manifesto và The Black Archives đã tổ chức một cuộc tuần hành phản đối trước khi nhà vua phát biểu ngày 1.7 với các biểu ngữ ghi rằng "Không ai được chữa lành nếu không có bồi thường".
“Rất nhiều người bao gồm cả tôi, nhóm của tôi - The Black Archives, và Black Manifesto cho rằng xin lỗi là không đủ. Lời xin lỗi nên gắn với một hình thức khắc phục hoặc bồi thường", ông Mitchell Esajas, Giám đốc của Black Archives, nói với AP.
Người Hà Lan lần đầu tiên tham gia buôn bán nô lệ xuyên Đại Tây Dương vào cuối những năm 1500 và trở thành nhà buôn lớn vào giữa những năm 1600. Cuối cùng, Công ty Tây Ấn Hà Lan đã trở thành nhà buôn nô lệ xuyên Đại Tây Dương lớn nhất, theo ông Karwan Fatah-Black, chuyên gia về lịch sử thuộc địa Hà Lan và là trợ lý giáo sư tại Đại học Leiden.
Bình luận (0)