Sau Toyota, Honda VN đưa 'yêu sách' đòi hỗ trợ

08/06/2015 06:05 GMT+7

Sau khi Toyota và GM lên tiếng về việc mong muốn nhận được hỗ trợ, ưu đãi ở hoạt động lắp ráp trong nước, hãng xe Honda cũng kiến nghị về vấn đề này.

Sau khi Toyota và GM lên tiếng về việc mong muốn nhận được hỗ trợ, ưu đãi ở hoạt động lắp ráp trong nước, hãng xe Honda cũng kiến nghị về vấn đề này.

>> Đề nghị ‘trên trời’ của Toyota 
>> Ô tô Việt vẫn ‘duyệt binh’ tại chỗ sau gần 3 năm
>> Doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô tiếp tục xin ưu đãi

Trong vòng hai tháng trở lại đây, truyền thông trong nước và người tiêu dùng tỏ ra sốt sắng hơn bao giờ hết trước thời điểm 2018 khi thuế nhập khẩu xe hơi từ các nước ASEAN giảm còn 0%. Trong khi nhiều người tiêu dùng liên tục “án binh” nghe ngóng thậm chí khóa hầu bao chờ giá xe nhập giảm dần và “giảm hẳn” từ nay tới năm 2018 mới quyết định mua xe thì truyền thông trong nước lại “rộn ràng” trước hàng loạt thông tin trái chiều quanh vấn đề này.


Vấn đề chính sách sau năm 2018 với ngành công nghiệp ô tô đang được bàn tán sôi nổi thời gian gần đây

Xuất phát điểm phải kể đến phát biểu trong cuộc họp tổng kết cuối năm của ông Yoshihisa Maruta - CEO Toyota Việt Nam đồng thời cũng là chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất, láp ráp ô ô Việt Nam (VAMA) hồi tháng 4. Theo đó, ông Yoshihisa Maruta cho biết sẽ cân nhắc việc tiếp tục sản xuất tại Việt Nam hay không và 2015 là thời điểm then chốt do cần ít nhất 3 năm để đưa một mẫu xe mới lên dây chuyền sản xuất.

Đỉnh điểm của cuộc tranh luận xoay quanh vấn đề bỏ thuế nhập khẩu xe từ ASEAN sau năm 2018 là khi những kiến nghị hỗ trợ, ưu đãi của Toyota trình lên Chính phủ được đăng tải. Thông tin này trở thành đề tài tranh luận trên các trang mạng về kinh tế, xe hơi liên tiếp mấy ngày sau đó, ủng hộ có, phản đối có nhưng hầu hết các ý kiến đều cho rằng không nên “yêu chiều” quá các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước khi tỉ lệ nội địa hóa, sức ảnh hưởng của công nghiệp ô tô Việt Nam vẫn lẹt đẹt sau bao năm hỗ trợ.


Toyota mở đầu với việc úp mở về việc dừng sản xuất, láp ráp ô tô cũng như kiến nghị hỗ trợ từ Chính phủ

Tại một sự kiện mới đây nhất của GM, Tổng giám đốc GM Việt Nam - ông Gaurav Gupta cũng cho biết đang cân nhắc về thời điểm 2018. Ông Gupta chia sẻ việc tiếp tục sản xuất, láp ráp hay chuyển sang nhập khẩu ô tô đã được bàn luận từ nhiều năm trước. Đồng thời cho rằng GM sẽ nhập khẩu nếu thấy xe nhập rẻ hơn sản xuất trong nước hoặc ngược lại. Dù không đề cập tới những kiến nghị ưu đãi nhưng GM đã phần nào bóng gió tới khả năng này.

Mới đây nhất, một thương hiệu không còn xa lạ với ngành công nghiệp ô tô là Honda cũng vừa kiến nghị giảm thuế nhập khẩu linh kiện CKD và thay đổi cách tính thuế với xe sản xuất trong nước. Theo thông tin được báo Đầu tư đăng tải, Honda Việt Nam đề nghị giảm thuế nhập khẩu các linh kiện ngoài khu vực ASEAN về 0% so với khoảng 30% hiện tại để “cạnh tranh”. Ngoài ra, hãng xe Nhật cũng kiến nghị Chính phủ xây dựng cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) mới theo hướng “có lợi” cho việc phát triển ngành công nghiệp ô tô. Đề nghị của Honda là tính thuế TTĐB theo giá CIF của bộ linh kiện và thuế nhập khẩu.

Như vậy, trong khi khối VAMA (bao gồm cả Honda) đề nghị cách tính thuế TTĐB mới với xe nhập để đảm bảo công bằng với xe lắp ráp trong nước thì Honda lại kiến nghị tính thuế xe, linh kiện lắp ráp trong nước theo “chế độ” của xe nhập hiện hành (theo giá CIF). Mâu thuẫn dường như tồn tại ngay trong khối này khi nhiều thành viên tỏ ra đồng tình với phương án giữ nguyên cách tính theo giá CIF cũ trong một cuộc họp kín gần đây.


Honda là hãng xe Nhật thứ hai có những kiến nghị “đòi” ưu đãi với xe sản xuất trong nước

Có vẻ như khối VAMA đã thay đổi khái niệm về cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt. Thay vì kiến nghị thay đổi cách tính thuế TTĐB với xe nhập trước đây thì VAMA lại chọn giải pháp “đôi bên cùng có lợi” là đề nghị tính thuế TTĐB của xe lắp ráp trong nước từ giá buôn sang giá xuất xưởng. Tuy nhiên, đề nghị của Honda cũng như một số thành viên VAMA sẽ khó được thông qua bởi có rất nhiều vấn đề liên quan cùng việc đảm bảo nguồn thu ngân sách.

Quang Thái
Ảnh: Độc Lập

>> Đề xuất thay đổi cách tính thuế: Giá ô tô nhập khẩu sẽ tăng
>> Đề xuất thay đổi cách tính thuế: Người tiêu dùng vẫn thiệt thòi nhất?
>> Mercedes, BMW, Audi nói gì về đề xuất tính thuế nhập khẩu xe mới ?
>> Toyota VN vẫn sản xuất ô tô nhưng mập mờ kế hoạch phát triển
>> Sức ép để giảm giá xe hơi
>> Chuẩn an toàn cho xe hơi quá 'bèo' !

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.