(TNO) 61% người dân Hy Lạp vừa từ chối gói viện trợ quốc tế, dẫn đến một loạt mệnh đề phủ định dành cho Hy Lạp trong vài tuần tới: không có các điều kiện thắt lưng buộc bụng, không có thỏa thuận cứu trợ tài chính và không có đồng euro.
Hy Lạp có thể phải rời eurozone - Ảnh: Reuters
|
Sau nhiều năm sống nhờ tiền viện trợ quốc tế và đổi lại bằng các biện pháp thắt lưng buộc bụng, kết quả sơ khởi của cuộc trưng cầu dân ý tại Hy Lạp là: 61% người dân quay lưng với gói viện trợ từ châu Âu và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), chỉ 39% đồng ý.
Kết quả này mở thêm đường cho lối ra của Hy Lạp ở Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (eurozone) chỉ trong vài tuần tới. Điều này xảy ra là vì nếu Hy Lạp muốn ở lại trong khối, nước này phải cần nhiều tiền hơn từ châu Âu.
Kết quả này cũng đánh dấu chiến thắng cho Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras, người đã kêu gọi đất nước bỏ phiếu “không”. Ông tin rằng câu trả lời “không” từ phía người dân sẽ gia tăng lợi thế cho Athens trên bàn đàm phán với các chủ nợ.
Thủ tướng Hy Lạp muốn thương lượng để đạt được một gói cứu trợ lớn hơn, được cung cấp cùng những điều kiện “ít khắc khổ” hơn cho người dân nước này. Thêm vào đó, ông kỳ vọng một phần nợ sẽ được xóa bỏ.
Tuy nhiên, lãnh đạo các nước châu Âu đã tuyên bố từ trước cuộc trưng cầu dân ý rằng bất cứ gói cứu trợ mới nào cũng sẽ đính kèm với một loạt điều kiện nghiêm ngặt. Đây là điều mà số đông cử tri Hy Lạp bác bỏ vào hôm 5.7.
Hôm nay 6.7, Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ gặp Tổng thống Pháp Francois Hollande. Các lãnh đạo Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng sẽ nhóm họp về khủng hoảng nợ Hy Lạp.
Nếu Hy Lạp không thể sớm có tiền cứu trợ từ châu Âu, nước này sẽ phải trả tiền lương hưu và tiền cho nhân viên khu vực công bằng giấy vay tiền. Nước này không thể vay từ thị trường quốc tế vì lãi suất rất cao.
Ngân hàng Hy Lạp, vốn đã đóng cửa một tuần qua, đang có kế hoạch mở cửa lại từ ngày 7.7. Tuy nhiên, ngân hàng nước này phụ thuộc vào tiền cứu trợ khẩn cấp từ ECB để có thể hoạt động. Dòng tiền vốn đã chảy vào ít ỏi trong tuần qua, giờ đây có thể hoàn toàn bị cắt đứt.
Cuối cùng, Hy Lạp có thể bị buộc phải rời khỏi eurozone - khối 19 nước đã từ bỏ đồng nội tệ để về với đồng EUR chung.
Hiện tại, vẫn chưa có gì chắc chắn về vị trí thành viên của Hy Lạp trong Liên minh châu Âu - khối rộng lớn hơn eurozone với 28 nước thành viên có chung chính sách về thương mại và nhiều phương diện khác.
Chuyển biến trong tình hình khủng hoảng tài chính Hy Lạp đã và đang chia cách ý kiến của các chuyên gia pháp lý. Chưa từng có tiền lệ cho những gì đang xảy ra ở Athens, và các nước châu Âu vẫn chưa có quy định có thể được dùng khi một quốc gia rời bỏ khối.
Bình luận (0)