Tại dự thảo lần này, số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu thay vì để tại doanh nghiệp đầu mối như hiện tại, sẽ xem xét chuyển về ngân sách và việc trích lập, chi quỹ này theo luật Giá 2023.
Cụ thể, theo dự thảo 4 nghị định về kinh doanh xăng dầu, tại điều 31 quy định về nguyên tắc điều chỉnh giá bán xăng dầu, dự thảo nêu, với trường hợp mặt bằng giá thị trường của các mặt hàng xăng dầu có biến động bất thường gây tác động lớn đến kinh tế - xã hội, sản xuất, kinh doanh, đời sống người dân, Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan đánh giá mức độ biến động mặt bằng giá xăng dầu; mức độ ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh, đời sống người dân; có văn bản gửi Bộ Tài chính tổng hợp để trình Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương bình ổn giá theo quy định tại khoản 1 điều 20 luật Giá.
Trường hợp cơ quan có thẩm quyền ban bố tình trạng khẩn cấp, sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh và mặt bằng giá thị trường của các mặt hàng xăng dầu có biến động bất thường, Bộ Công thương chủ trì, phối hợp các bộ, ngành liên quan đánh giá diễn biến thực tế và mặt bằng giá thị trường xăng dầu; có văn bản gửi Bộ Tài chính để tổng hợp, trình Chính phủ quyết định chủ trương, biện pháp, thời hạn bình ổn giá phù hợp theo quy định tại khoản 2 điều 20 luật Giá.
Để thực hiện quy định, tại điều 34 về trách nhiệm các bộ, ủy ban nhân dân, dự thảo quy định Bộ Tài chính có trách nhiệm "xác định số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu, hướng dẫn thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu chuyển, nộp số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu vào ngân sách nhà nước".
Theo số liệu được Bộ Tài chính công bố lần gần nhất 31.12.2023, số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu còn 6.655 tỉ đồng. Trong các kỳ điều hành từ đầu năm 2024 đến nay, liên Bộ Công thương - Tài chính không chi sử dụng quỹ, một số kỳ có thực hiện trích lập quỹ đối với một số mặt hàng dầu.
Ngoài ra, dự thảo đưa ra công thức tính giá bán xăng dầu bao gồm chi phí tạo nguồn, chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức và thuế giá trị gia tăng. Trong đó, chi phí tạo nguồn gồm giá sản phẩm xăng dầu thế giới do Bộ Công thương công bố, premium nhân tỷ giá ngoại tệ, chi phí vận tải, bảo hiểm, hao hụt, bốc dỡ, thuế (nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt, bảo vệ môi trường).
Đáng lưu ý, chi phí kinh doanh định mức trong giá xăng dầu được điều chỉnh tăng, giảm theo chỉ số giá tiêu dùng thực tế bình quân của năm trước do Tổng cục Thống kê công bố. "Định kỳ 3 năm một lần, Bộ Công thương chủ trì, phối hợp các bộ ngành có liên quan rà soát, công bố chi phí kinh doanh định mức được sử dụng làm gốc, phù hợp với tình hình thực tế để thương nhân thực hiện", dự thảo nêu.
Để có cơ sở giá xăng dầu thế giới công bố tại mỗi kỳ điều hành, dự thảo quy định Bộ Tài chính có trách nhiệm bố trí ngân sách để Bộ Công thương mua thông tin giá xăng dầu thế giới nhằm công bố, áp dụng trong tính giá bán xăng dầu.
Nguyên tắc điều hành giá bán xăng dầu tại dự thảo này là Bộ Công thương công bố giá thế giới, chậm nhất 60 phút sau, thương nhân phân phối và thương nhân đầu mối phải công bố giá bán lẻ xăng dầu (theo công thức quy định) trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp (nếu có), tại cửa hàng bán lẻ....
Với các sản phẩm xăng dầu Bộ Công thương không công bố giá thế giới, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu được quyền quyết định giá bán theo cơ chế thị trường.
Bình luận (0)