Sẽ có 12 triệu m2 nhà ở xã hội cho công nhân

28/11/2021 09:39 GMT+7

Trong chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đề ra mục tiêu xây dựng tối thiểu khoảng 12,5 triệu m 2 nhà ở xã hội tại khu vực đô thị, đáp ứng cho khoảng 70% công nhân lao động tại các khu công nghiệp có nhu cầu được giải quyết chỗ ở.

Nhà ở cho công nhân mới làm được 41%

Theo Bộ Xây dựng, trong gần 2 năm qua, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã đặt doanh nghiệp vào tình thế khó khăn. Đặc biệt là đợt bùng phát lần thứ 4 bùng phát mạnh tại một số tỉnh phía nam, đã xuất hiện làn sóng người lao động về quê do lo sợ dịch bệnh quay trở lại do các nhà máy, xí nghiệp không có nơi lưu trú cho công nhân. Điều này đã gây tác động không nhỏ đến hiệu quả kinh tế, hiệu quả phát triển sản xuất kinh doanh, đến an sinh xã hội.

Hiện nay, ở các các khu công nghiệp đang thiếu hụt hạ tầng xã hội cho người lao động như thiếu nhà ở cho công nhân, thiếu các hoạt động vui chơi giải trí, thiếu trường mẫu giáo cho con em công nhân… dẫn đến tình trạng nhiều khu công nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu chỗ ở, công nhân phải thuê trọ ngoài nhà dân, ở nơi chật chội, thiếu thốn và đông đúc. Khi dịch Covid-19 bùng phát, những khu nhà ở này tiềm ẩn nhiều mối lo do mật độ đông, điều kiện sống và sinh hoạt không đảm bảo…

Nhiều chính sách hỗ trợ nhà ở cho công nhân đã được đề xuất
ĐÌNH SƠN

Ông Hà Quang Hưng, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), cho biết mục tiêu đến năm 2020 cả nước dành khoảng 600 ha đất làm nhà ở xã hội cho công nhân khu công nghiệp. Theo báo cáo của các địa phương, đến nay cả nước có 214 dự án nhà ở dành cho công nhân với quy mô sử dụng đất khoảng 600 ha. Trong đó đã hoàn thành 116 dự án với diện tích đất hơn 250 ha và đang tiếp tục triển khai 98 dự án với diện tích đất hơn 350 ha. Như vậy mới chỉ có khoảng 41% diện tích đất được đầu tư xây dựng đưa vào sử dụng.

Trong khi đó, số liệu tổng hợp chưa đầy đủ từ báo cáo của các địa phương, thì nhu cầu đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho các đối tượng là người thu nhập thấp khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 là khoảng 294.600 căn, với tổng mức đầu tư khoảng 220.000 tỉ đồng. Trong đó, dự án nhà ở cho công nhân khu công nghiệp là 100 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 134.000 căn hộ, có tổng mức đầu tư khoảng 67.000 tỉ đồng.

Trong chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đề ra mục tiêu xây dựng tối thiểu khoảng 12,5 triệu m2 nhà ở xã hội tại khu vực đô thị, đáp ứng cho khoảng 70% công nhân lao động tại các khu công nghiệp có nhu cầu được giải quyết chỗ ở.

Thêm gói tín dụng 65.000 tỉ đồng

Theo TS Lương Hoài Nam, làm nhà ở xã hội, nhất là nhà cho công nhân lợi nhuận thường rất thấp nên các doanh nghiệp không mặn mà tham gia. Do đó, cần có chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp phát triển bất động sản giá thấp mà vẫn có lợi nhuận hợp lý họ mới làm. Cần hỗ trợ đất sạch chứ không phải để doanh nghiệp vật vã đi đền bù. Đồng thời làm các khu tập trung có đủ tiện ích và gần các khu công nghiệp để công nhân có thể tiện đi lại như trường học, bệnh viện, chợ, công viên… chứ công nhân không có nhu cầu sống ở Thủ Thiêm hay quận 1.

“Không thể bắt doanh nghiệp dành 20% quỹ đất vàng ở quận 1 để xây nhà ở xã hội ngay một khu chung cư cao cấp mà cần biến 20% quỹ đất vàng này thành tiền để đến các khu công nghiệp xây nhà ở xã hội cho công nhân”, TS Nam đề xuất.

Hiện Bộ Xây dựng đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ bổ sung gói tín dụng 65.000 tỉ đồng để hỗ trợ chương trình và phân ra làm 2 gói tín dụng chính. Gói tín dụng thứ nhất gồm có 15.000 tỉ đồng. Trong đó có 14.000 tỉ đồng là cấp vốn tín dụng cho Ngân hàng Chính sách xã hội trong chương trình đầu tư công giai đoạn 2021 - 2026 để ngân hàng cho các đối tượng là khách hàng cá nhân được vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội. Còn 1.000 tỉ đồng sẽ dành cho các ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước chỉ định để cho các chủ đầu tư cũng như khách hàng cá nhân vay phát triển nhà ở xã hội. Đây là những gói tín dụng bù lãi suất.

Gói tín dụng thứ hai là 50.000 tỉ đồng theo hướng cấp tín dụng cho ngân hàng thương mại để các ngân hàng này cho hai nhóm đối tượng vay. Nhóm thứ nhất là người công nhân trong các khu công nghiệp được vay để mua, thuê mua các dự án nhà ở xã hội. Nhóm thứ hai là chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội và nhà ở công nhân bao gồm cả chủ đầu tư các dự án kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp; trong đó có các dự án nhà lưu trú cho công nhân thuê.

Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng đề xuất, bổ sung cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp có công nhân kinh doanh sản xuất trong khu công nghiệp thì được mua hoặc thuê theo gói thuê các tầng hoặc cả block nhà ở để cho công nhân thuê. Trên thực tế thì hiện nay nội dung này chưa có trong quy định của Chính phủ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.