Sáng 12.5, tại cuộc tiếp xúc cử tri đoàn đại biểu TP.Hà Nội trước kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, Chủ tịch TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh đã giải trình nhiều vấn đề cử tri nêu.
Ưu tiên xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch, Kim Ngưu
Trước kiến nghị về tình trạng hạn chế ô nhiễm tại các sông trên địa bàn, ông Chu Ngọc Anh cho biết thành phố đã chỉ đạo nhiều giải pháp quản lý, cải thiện chất lượng môi trường, ưu tiên xử lý ô nhiễm cho toàn bộ hệ thống sông, mương thoát nước.
Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri sáng 12.5 |
ngọc thắng |
Hà Nội cũng đã phê duyệt đề án phục hồi chất lượng môi trường và phát triển hệ thống 4 sông nội đô Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét cuối năm 2021. Hiện Sở TN-MT đang triển khai đề án nhằm phục hồi chất lượng môi trường nước và cảnh quan của các con sông nội đô.
Chủ tịch Hà Nội cho biết đã giao Sở Xây dựng, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường thực hiện các dự án khoa học công nghệ về đẩy nhanh ưu tiên xử lý một bước ô nhiễm nước sông Tô Lịch, Kim Ngưu đảm bảo các tiêu chí về thoát nước, môi trường và cảnh quan. Đồng thời, đẩy nhanh xây dựng hệ thống thu gom nước thải đưa về hệ thống xử lý trước khi xả vào nguồn nước các sông nội thành như: sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Sét, Lừ, Cầu Bây; đẩy nhanh tiến độ các công trình xử lý nước thải sinh hoạt khu vực nội thành.
“Quá trình đô thị hóa phát triển kinh tế xã hội của thành phố Hà Nội kéo theo một số vấn đề về môi trường như rác thải gia tăng, ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước … Hiện trạng môi trường của thành phố Hà Nội đặc biệt là chất lượng không khí ở những ngày thời tiết nóng ẩm, còn ở mức cảnh báo xấu thể hiện qua chỉ số chất lượng không khí AQI ở mức cảnh báo xấu”, Chủ tịch Hà Nội nêu.
Để cải thiện môi trường không khí, TP cũng đã yêu cầu triển khai ngay các giải pháp cải thiện chất lượng không khí, như tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động đốt rơm rạ và rác thải sinh hoạt. Hiện tình trạng đốt rơm rạ trên địa bàn thành phố đã giảm hẳn, tỉ lệ đốt chỉ còn khoảng 20%.
Thay thế và loại bỏ toàn bộ việc sử dụng than tổ ong làm nhiên liệu trong sinh hoạt, kinh doanh dịch vụ nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường (hiện đã giảm đến 99.6% số lượng bếp than tổ ong trên địa bàn)…
Xây bãi đỗ xe ngầm dự án Cát Linh - Hà Đông
Liên quan đến kiến nghị của cử tri về bất cập chỗ gửi xe tại các điểm vận tải hành khách công cộng như đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Chủ tịch Hà Nội cũng cho hay, theo quy hoạch, tại khu vực nhà ga Cát Linh và xung quanh có xác định xây dựng không gian ngầm (bao gồm các chức năng gara ngầm đỗ xe) và phần ngầm đỗ xe tại các công trình công cộng của khu vực (trung tâm thương mại Cát Linh, khách sạn Pullman Hà Nội ...) để phục vụ nhu cầu đỗ xe của người dân.
Cử tri nêu nhiều kiến nghị liên quan đến ô nhiễm, phát triển hạ tầng của Hà Nội |
Ngọc thắng |
Ngoài ra, Cơ Quan phát triển Pháp AFD cũng đang triển khai chương trình Hỗ trợ kỹ thuật “Hà Nội, đô thị bền vững”, trong đó có các dự án hỗ trợ nghiên cứu cải thiện chất lượng đô thị và nâng cao chất lượng dịch vụ của vận tải hành khách công cộng của thành phố. AFD đưa ra các giải pháp về giao thông công cộng, hạ tầng kỹ thuật (bao gồm các bãi đỗ xe, lối tiếp cận nhà ga,... để hỗ trợ tối đa khả năng khai thác vận hành tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, làm cơ sở đề xuất các dự án đầu tư xây dựng các bãi đỗ xe công cộng và các hạng mục khác tại nhà ga Cát Linh nói riêng và các ga trên tuyến nói chung.
Hiện, UBND thành phố đã giao Sở GTVT chủ trì làm việc với AFD để triển khai thực hiện trong thời gian sớm nhất. Sau khi có kết quả nghiên cứu sẽ xem xét triển khai ngay việc đầu tư xây dựng các bãi đỗ xe để đáp ứng nhu cầu gửi xe khi sử dụng tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.
Trình luật Thủ đô sửa đổi cuối năm 2022
Chủ tịch Hà Nội cho biết thành phố đang phối hợp với Bộ Tư pháp hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng luật Thủ đô (sửa đổi) báo cáo Chính phủ trình Quốc hội trong kỳ họp cuối năm 2022 để bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trong thời gian tới.
Thành phố cũng đang tích cực triển khai một số nhiệm vụ lớn, mang tính định hướng dài hạn phát triển Thủ đô như đề xuất điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị.
Bình luận (0)