Sẽ có cuộc rà soát bản quyền âm nhạc khổng lồ?

10/11/2021 06:10 GMT+7

Nhiều nhạc sĩ tiếp tục lên tiếng về việc tác phẩm của mình bị “cầm nhầm”. Trong đó, có 7 CD do Hội Nhạc sĩ Việt Nam sản xuất đang bị BHMedia sử dụng để xác nhận chủ sở hữu bản quyền trên YouTube.

Danh sách tố vi phạm bản quyền nối dài

Sáng 9.11, nhiều nhạc sĩ đã đến Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) để lên tiếng về những tác phẩm của mình. Một số khác đã tới VCPMC từ trước và có biên bản làm việc. Cũng có nhiều đơn kiến nghị gửi VCPMC để nhờ trung tâm này thực hiện các biện pháp cần thiết bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Ngoài nhạc sĩ Giáng Son đã lên tiếng về Giấc mơ trưa bị “nhầm tác quyền”, các nhạc sĩ khác cũng đã lên tiếng như: Ngọc Khuê, Ngô Tự Lập đại diện nhóm nhạc M6, Trần Thanh Tùng, Bảo Chấn, Hoàng Sông Hương…

Đĩa CD gây ồn ào thời gian qua của Dương Thùy Anh

TL

Theo đó, nhạc sĩ Ngọc Khuê tự sáng tác và đầu tư sản xuất hoặc được Hội Nhạc sĩ Việt Nam đầu tư sản xuất album Hạt nắng hạt mưa nhưng bị BHMedia xác nhận chủ sở hữu bản quyền khi đưa lên chính kênh YouTube của mình. VCPMC cho rằng: Với những tác phẩm này, quyền tác giả 100% của nhạc sĩ Ngọc Khuê. Quyền liên quan 100% là của tác giả với bản ghi Hà Nội mùa thu vắng em do ca sĩ Thu Thủy trình bày hoặc Hội Nhạc sĩ Việt Nam nếu là các tác phẩm trong album Hạt nắng hạt mưa. Chủ thể xâm phạm được cho là BHMedia.

Nhạc sĩ Ngô Tự Lập đại diện M6 cho biết đã cùng nhau sáng tác và đầu tư sản xuất 3 CD, khi đưa các video này lên YouTube thì bị BHMedia xác nhận bản quyền. Phía này cho rằng 100% quyền tác giả và 100% quyền liên quan thuộc về họ.

Trong khí đó, VCPMC xác định nghệ sĩ Dương Thùy Anh đã xâm phạm quyền tác giả khi sử dụng tác phẩm Giấc mơ trưa của nhạc sĩ Giáng Son mà chưa xin phép. Thùy Anh cũng sử dụng bản phối thuộc sở hữu của Giáng Son, cover thêm nhạc cụ là đàn nhị nhưng chưa xin phép.

Nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến có 2 album Giọt sương bay lên và Ngồi trên vách nắng với tổng cộng 21 tác phẩm trả tiền cho Hồ Gươm Audio phát hành. Theo VCPMC, bản ghi BHMedia dùng để xác nhận bản quyền là bản ghi do chính tác giả sáng tác và đầu tư sản xuất.

Với nhạc sĩ Trần Thanh Tùng, ông cho rằng có nhiều điểm không minh bạch trong hợp đồng ủy quyền ký giữa ông và BHMedia với 3 tác phẩm Đừng ví em là biển, Tình khúc nguyệt hồ, Biển hát lời anh ca. Theo tài liệu công bố, trừ trang cuối hợp đồng có chữ ký của tác giả thì những trang khác đều có nội dung không đúng như nhân viên BHMedia đã trao đổi.

Tác giả Hoàng Sông Hương kiến nghị về nội dung hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả cùng BHMedia với tác phẩm Tình ta biển bạc đồng xanh vì nội dung hợp đồng không giống thỏa thuận. Ông Hương cũng đồng thời gửi đơn kiến nghị tới Cục Bản quyền tác giả đề nghị không cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan cho bất cứ tổ chức, cá nhân nào ngoài tác giả. Ông cũng đã gửi thông báo chấm dứt hợp đồng đến ông Nguyễn Hải Bình (Giám đốc BHMedia).

Nhạc sĩ Bảo Chấn kiến nghị VCPMC về việc đã ký Hợp đồng ủy quyền quản lý và khai thác tác phẩm giữa tác giả và BHMedia nhưng nội dung không đúng với ý chí tác giả và thỏa thuận giữa các bên.

Thông tin từ VCPMC cho biết có 76 CD tương ứng 865 tác phẩm do Hội Nhạc sĩ Việt Nam đầu tư sản xuất đang bị BHMedia sử dụng để xác nhận chủ sở hữu bản quyền trên YouTube. Theo đó, 100% quyền tác giả thuộc về các tác giả thành viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Quyền liên quan 100% thuộc về Hội Nhạc sĩ Việt Nam là đơn vị chủ đầu tư thuê ca sĩ, nhạc sĩ hòa âm phối khí, ký hợp đồng với NXB Âm nhạc là Dihavina để thu âm, in xuất bản đĩa CD.

Bìa CD Giọt sương bay lên của Nguyễn Vĩnh Tiến

NVCC

Cuộc rà soát khổng lồ

Nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến nhớ rõ nhiều chi tiết khi ông cùng Hồ Gươm Audio thực hiện đĩa. Theo ông, Hồ Gươm ứng trước cho tác giả 64 triệu đồng để sản xuất. Sau đó, khi bán đĩa, họ thu lại khoản tiền này từ tiền bán đĩa. Vấn đề ở đây là hiện ông Tiến chưa đưa được hợp đồng ra vì chưa tìm thấy.

Một phần để lại của lịch sử là trên các giấy phép cấp để lưu hành băng đĩa, đơn vị xin cấp phép được ghi tên ở đó. Quy định về thủ tục cấp phép cũng có đoạn “đơn vị xin cấp phép phải chịu trách nhiệm về sản phẩm mà đơn vị mình sản xuất”. Giấy phép cũng không có thông tin gì về việc khoản tiền sản xuất từ nguồn nào. Chính vì thế, nếu chỉ căn cứ vào giấy phép lưu hành, ưu thế về việc được công nhận là nhà sản xuất đang nghiêng về phía hãng băng đĩa. Về điều này, nhạc sĩ Giáng Son cho rằng nhạc sĩ có thể làm việc với người phối khí, phòng thu… xác nhận là đã trả tiền từ A - Z.

Bên cạnh đó, nếu các nhạc sĩ không xuất trình được hợp đồng sẽ rất khó trong việc chứng minh mình đã ủy quyền như thế nào cho hãng băng đĩa. Họ có thể yêu cầu đối tác là Hồ Gươm Audio hoặc Dihavina trình hợp đồng. Tuy nhiên, khả năng đối tác trả lời không còn giữ hợp đồng là có thể xảy ra. Khi đó, sẽ khó khăn để chứng minh đối tác vi phạm khi tự ý chuyển các bản ghi sang định dạng khác, phát hành trên nền tảng khác mà tác giả chưa được xin phép. Như vậy, một cuộc rà soát bản quyền âm nhạc với số lượng lớn sẽ phải được thực hiện.

Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, Tổng giám đốc VCPMC, cho rằng thực tế khi ra tòa, để đi đến tận cùng, chứng cứ vẫn là yếu tố quyết định. “Chứng cứ này xem lại các tác giả đã làm việc thời đó còn giữ hợp đồng giữa mình và đơn vị công ty băng đĩa hay không. Tuy nhiên, theo luật sư của VCPMC, nếu không có hợp đồng thì có hai việc phải làm. Một là tìm nhân chứng. Hai là phải chứng minh được mình là người đã đầu tư các sản phẩm này”, ông Cẩn nói.

Hôm nay 10.11, theo dự kiến, BHMedia và VCPMC sẽ có buổi làm việc về các vấn đề liên quan. Phía VCPMC cho biết kết quả làm việc sẽ được thông báo bằng văn bản tới các nhạc sĩ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.