Sẽ có quy định tỷ lệ giáo viên/học sinh theo vùng miền

04/10/2022 16:48 GMT+7

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nêu một loạt giải pháp nhằm khắc phục tình trạng thiếu giáo viên , trong đó có việc chỉnh sửa, bổ sung các quy định của pháp luật để có cơ chế tuyển dụng giáo viên phù hợp hơn.

Trong báo cáo gửi Quốc hội, đại biểu Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết số 41/2021/QH15 về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV trong lĩnh vực GD-ĐT, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn báo cáo về nhiệm vụ khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên tại các địa phương (thời hạn hoàn thành là tháng 12.2022).

Nhiều địa phương thiếu trầm trọng giáo viên dạy tiếng Anh cho học sinh lớp 3 theo chương trình giáo dục phổ thông mới

m.c

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết Bộ tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung các quy định của pháp luật để hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với đội ngũ, trong đó có xây dựng thông tư thay thế thông tư liên tịch số 06 năm 2015 (quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập) theo hướng không quy định tối đa định mức giáo viên/lớp, nhóm trẻ để các địa phương có cơ sở tuyển dụng, hợp đồng giáo viên bảo đảm thực hiện chương trình giáo dục mầm non...

Xây dựng thông tư thay thế Thông tư số 16 năm 20217 (hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập) theo hướng quy định tỷ lệ giáo viên/học sinh theo các vùng miền nhằm đảm bảo tương quan giữa các vùng miền để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018…

Người đứng đầu ngành GD-ĐT cho biết thời gian tới sẽ chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện tuyển đủ số giáo viên được Bộ Chính trị quyết định bổ sung cho địa phương năm học 2022 – 2023 và các năm tiếp theo; tập trung chuẩn bị đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong đó ưu tiên biên chế để tuyển dụng giáo viên cho các môn học mới.

Dự báo nhu cầu và xây dựng kế hoạch dài hạn để thực hiện đào tạo giáo viên gắn với nhu cầu sử dụng, bảo đảm đủ về cơ cấu, số lượng, chất lượng đáp ứng yêu cầu đổi mưới giáo dục. Đặc biệt, bố trí đủ giáo viên dạy các môn ngoại ngữ và tin học để triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 từ lớp 3.

Báo cáo của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho hay: Để giải quyết bài toán thiếu giáo viên, Bộ GD-ĐT đã phối hợp Bộ Nội vụ đề xuất Thủ tướng xem xét, bổ sung biên chế giáo viên cho các địa phương năm 2022. Ngày 18.7.2022, tại Quyết định số 72-QĐ/TW, Bộ Chính trị đã giao bổ sung 65.980 biên chế giáo viên trong giai đoạn từ năm 2022 đến 2026, riêng năm học 2022 - 2023 giao bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công lập.

Ngay sau khi có Quyết định của Bộ Chính trị, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai tuyển dụng biên chế giáo viên mầm non, phổ thông.

Thiếu giáo viên trầm trọng trên cả nước

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, để thực hiện được dạy ngoại ngữ theo Chương trình GDPT 2018 cho lớp 3 năm học 2022 - 2023 cần thêm 5.322 giáo viên, cho 2 năm tiếp theo lần lượt là 2.207 và 2.061 giáo viên. Để đủ cho cả 3 năm sẽ cần thêm 9.589 giáo viên.

Với môn tin học, để đủ giáo viên (tính tối thiểu 1 giáo viên/trường) cần bổ sung 3.684 giáo viên.

Ở cấp THCS và THPT, theo Bộ GD-ĐT, tỷ lệ giáo viên/lớp bình quân chưa đáp ứng được yêu cầu theo quy định thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Giai đoạn 2021-2025 cả nước thiếu khoảng 110.000 giáo viên trong đó số cấp THCS thiếu 14.653; cấp THPT là 11. 133 giáo viên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.