Sẽ dần quản lý được giá thuốc

23/10/2024 05:48 GMT+7

Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan khẳng định các biện pháp quản lý giá thuốc trong luật Dược từ năm 2016 tới nay 'rất hiệu quả' và sẽ dần tránh được tình trạng tăng đột biến.

Ngày 22.10, tiếp tục kỳ họp 8 Quốc hội (QH) khóa XV, QH thảo luận tại hội trường về dự án luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Dược.

Phải quản lý, giám sát, chế tài chặt chẽ

Nêu ý kiến, đại biểu (ĐB) Trần Thị Nhị Hà (TP.Hà Nội), Phó trưởng ban Dân nguyện, cho rằng dự thảo luật quy định về giá bán buôn thuốc dự kiến, được hiểu là quy định giá bán buôn tối đa nhằm ngăn chặn hình thức mua bán lòng vòng để tăng giá thuốc. Tuy nhiên, theo bà Hà, việc dự thảo quy định mức giá bán buôn tối đa do cơ sở nhập khẩu thuốc hoặc sản xuất thuốc xác định, các doanh nghiệp kinh doanh thuốc khác phải thực hiện theo, có thể dẫn đến nguy cơ độc quyền thuốc.

"Ví dụ trong trường hợp cơ sở nhập khẩu thuốc xác định mức giá bán buôn dự kiến rất thấp và thành lập chuỗi nhà thuốc để bán lẻ. Sau đó đẩy giá thuốc tăng lên ở hệ thống bán lẻ của mình. Đây chính là kênh bán hàng trực tiếp cho người dân và người dân vẫn phải mua thuốc giá cao", bà Hà phân tích.

Chia sẻ với lo lắng này, ĐB Nguyễn Công Hoàng (Thái Nguyên), Giám đốc Bệnh viện T.Ư Thái Nguyên, nói sẽ không quản lý được giá thuốc nếu không cương quyết với các đơn vị bán thuốc không liên thông giá, không công bố giá. "Người dân không bao giờ mặc cả về giá thuốc như với các mặt hàng khác. Do đó, phải có sự quản lý, giám sát, chế tài chặt chẽ", ông Hoàng đề nghị.

Sẽ dần quản lý được giá thuốc- Ảnh 1.

Phải có sự quản lý, giám sát, chế tài chặt chẽ đối với thuốc

ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM Phạm Khánh Phong Lan nhìn nhận nhà nước muốn quản lý giá thuốc, nhưng không quy định được một viên thuốc được qua bao nhiêu tầng nấc trung gian, tỷ lệ lợi nhuận cho phép là bao nhiêu. "Chúng ta mới chỉ trông đợi người ta tự nguyện kê khai thì giá đó không thể giải quyết được. Mọi thứ sẽ lặp lại như cũ và sẽ rất khó khăn", bà Lan phân tích và cho rằng khi chưa quản lý được hệ thống phân phối thì tình trạng mua bán lòng vòng, bán thuốc kê đơn vô tội vạ hoặc thuốc giả, thuốc kém chất lượng vẫn xảy ra.

Vấn đề này đã được Ủy ban Thường vụ QH ghi nhận. Tuy nhiên, cơ quan tiếp thu, chỉnh lý dự án luật cho rằng, nếu giá được xác định thấp "sẽ có lợi cho người dân". Đồng thời, thông qua các biện pháp kê khai giá bán buôn, bán lẻ, cơ quan quản lý nhà nước sẽ có ý kiến nếu cơ sở đó tăng giá bán. Ngoài ra, việc kiểm soát tình trạng độc quyền tại các cơ sở tổ chức chuỗi nhà thuốc được thực hiện theo quy định của pháp luật về cạnh tranh.

Giải trình vấn đề này, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan nói: "Chúng ta đã nghe thấy có bài báo nói là tại sao giá thuốc tăng vô tội vạ? Chúng ta quản lý như vậy từ 2016 (khi ban hành luật Dược - PV) mà giá còn tăng. Nếu không có biện pháp quản lý thì như thả gà ra đuổi, cũng không thể quản lý được giá thuốc".

Bộ trưởng Y tế cho rằng các quy định về kê khai giá thuốc như quy định tại luật Dược hiện hành từ năm 2016 tới nay "đang rất hiệu quả", góp phần ổn định giá thuốc. Theo bà Đào Hồng Lan, tiếp thu ý kiến ĐB, cơ quan soạn thảo đã đổi từ "kê khai" thành "công bố" giá bán buôn nhằm tháo gỡ các vướng mắc về các tầng nấc trung gian hiện nay. "Qua các biện pháp thực hiện này chúng ta sẽ dần quản lý được giá thuốc, tránh tăng giá đột biến trên thị trường", Bộ trưởng Y tế khẳng định.

"Điều kiện khó ngang bằng đi lên trời"

Một vấn đề được nhiều ĐB quan tâm là các chính sách ưu đãi để phát triển công nghiệp dược. Đây là vấn đề còn ý kiến khác nhau khi Ủy ban Thường vụ QH vẫn đưa ra 2 phương án để QH tiếp tục thảo luận.

Theo đó, phương án 1 quy định cho phép áp dụng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt với dự án thành lập mới trong lĩnh vực dược có quy mô vốn đầu tư từ 3.000 tỉ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 1.000 tỉ đồng trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư. Trong khi đó, phương án 2 không quy định quy mô cụ thể mà dẫn chiếu áp dụng theo luật Đầu tư. Nghĩa là điều kiện về quy mô dự án cao gấp 10 lần so với phương án 1.

ĐB Nguyễn Lâm Thành (Thái Nguyên) đánh giá các điều kiện để hưởng ưu đãi ở cả 2 phương án đều "cực kỳ khó khăn", "không khả thi" đối với ngành công nghiệp dược. Ông đề nghị tiếp tục hạ quy mô dự án được hưởng ưu đãi xuống 1.000 tỉ và trong 3 - 4 năm đầu phải giải ngân 300 tỉ đồng. "Còn 3.000 tỉ đồng thì khó ngang bằng đi lên trời", ông Thành nêu.

Bà Trần Thị Nhị Hà cũng nói có điều kiện để được hưởng ưu đãi trong dự thảo luật rất khó khả thi và gần như không có trên thực tế, như thuốc biệt dược gốc được chuyển giao công nghệ tại VN, hay để chứng minh được thuốc generic đầu tiên sản xuất trong nước. Tuy nhiên, ngược lại, có trường hợp để được ưu đãi thì rất đơn giản như sử dụng vỏ nang được sản xuất bởi cơ sở trong nước đáp ứng thực hành tốt sản xuất hiện nay. Theo bà, các quy định ưu đãi tại dự thảo luật chưa có tính chất thúc đẩy, khuyến khích sự phát triển, chưa theo kịp với tốc độ phát triển của ngành dược.

Giải trình, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan khẳng định mục tiêu quan trọng nhất là phải đảm bảo đủ thuốc để cung ứng ra thị trường. Muốn vậy phải phát triển được công nghiệp dược trong nước. "Đây là bài toán tôi nghĩ quốc gia nào cũng phải đặt ra", bà Lan nói và cho rằng ngành công nghiệp dược của VN "còn đang rất yếu". Bộ trưởng Y tế thừa nhận hiện nay dự án dược cao nhất cũng chỉ 2.700 tỉ đồng, và mức 3.000 tỉ để được hưởng ưu đãi như dự thảo cũng là mức "phấn đấu". Còn 76,63% các doanh nghiệp trong nước chỉ có quy mô dưới 300 tỉ đồng.

"Chúng tôi rất mong muốn tại kỳ họp này các luật khác liên quan cũng đang được xem xét, điều chỉnh, ủng hộ cho ngành dược VN có bước phát triển", bà Lan nói.

Đề xuất lập trung tâm dữ liệu quốc gia thuộc Bộ Công an

Chiều 22.10, thừa ủy quyền của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang trình bày về dự án luật Dữ liệu. Dự thảo luật dành riêng một chương để quy định về xây dựng và phát triển Trung tâm dữ liệu quốc gia (gọi tắt là trung tâm).

Theo dự kiến, trung tâm sẽ là một đơn vị mới thuộc Bộ Công an, có nhiều nhiệm vụ quan trọng, trong đó gồm tích hợp, đồng bộ, lưu trữ, phân tích, khai thác dữ liệu của các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội theo quy định pháp luật nhằm tạo lập, quản trị cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia.

Chính phủ cho biết, hiện việc xây dựng trung tâm đang triển khai thực hiện trên cơ sở thi hành Nghị quyết số 175/NQ-CP ngày 30.10.2023 của Chính phủ (dự kiến chi phí xây dựng giai đoạn 1, đến năm 2025, là khoảng 20.000 tỉ đồng). Căn cứ tình hình và nhu cầu thực tế, Bộ Công an sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các dự án xây dựng trung tâm trong các giai đoạn đầu tư tiếp theo phù hợp với kế hoạch đầu tư công trung hạn 2026 - 2030.

Thẩm tra, Ủy ban Quốc phòng - An ninh của QH cơ bản nhất trí với quy định về Trung tâm dữ liệu quốc gia. Việc này sẽ giúp Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương tập trung nguồn lực hạ tầng, công nghệ; giải quyết vấn đề hạn chế của các hệ thống thông tin, của việc tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan; tăng cường hiệu quả, tính minh bạch trong quản lý nhà nước; tiết kiệm nguồn lực đầu tư…

Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị rà soát, làm rõ hơn về mô hình tổ chức, chức năng, quyền, nghĩa vụ, tiến độ, hiệu quả của việc triển khai xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia. Việc tập trung khối lượng lớn thông tin dữ liệu tại Trung tâm dữ liệu quốc gia bên cạnh những ưu điểm cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ trong việc lộ lọt, mất an ninh, an toàn thông tin. Vì thế, có ý kiến đề nghị báo cáo làm rõ thêm các phương án ứng phó, giải quyết những vấn đề có thể phát sinh.

Ngoài ra, có ý kiến đề nghị nghiên cứu để xây dựng trung tâm là một đơn vị mới thuộc Chính phủ; có như vậy mới đủ khả năng, tiềm lực để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đề ra.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.