Đề nghị UNESCO vinh danh nhà sử học Lê Văn Hưu

21/04/2022 08:11 GMT+7

Ban tổ chức hội thảo khoa học “Lê Văn Hưu và Đại Việt sử ký” thống nhất kiến nghị các cơ quan hữu trách lập hồ sơ đề nghị UNESCO vinh danh nhà sử học Lê Văn Hưu nhân dịp kỷ niệm 800 năm ngày sinh của ông.

Ngày 20.4, tại Trung tâm hội nghị H.Thiệu Hóa (Thanh Hóa), Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đã phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức hội thảo khoa học quốc gia “Lê Văn Hưu và Đại Việt sử ký” nhân dịp kỷ niệm 700 năm ngày mất của nhà sử học Lê Văn Hưu.

Các đại biểu tham luận tại hội thảo

Ngọc Minh

Hội thảo đã nhận được 37 báo cáo khoa học có chất lượng chuyên môn cao của 42 nhà nghiên cứu, nhà khoa học, tập trung vào 3 nhóm vấn đề, gồm: Lê Văn Hưu: Thời đại, quê hương và hành trạng; Sự nghiệp sử học của Lê Văn Hưu; Di sản Lê Văn Hưu và vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị di sản.

Báo cáo đề dẫn hội thảo, PGS-TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, nhấn mạnh: Vào đầu thập kỷ 70 của thế kỷ XIII, sau khi Đế chế Nguyên thành lập, nguy cơ nước Đại Việt phải đối mặt với cuộc chiến tranh xâm lược đại quy mô đã trở thành hiện hữu. Trong bối cảnh ấy, hoàng đế Trần Thánh Tông đã quyết định giao cho Bảng nhãn Lê Văn Hưu, người làng Kẻ Rỵ (nay là xã Thiệu Trung, H.Thiệu Hóa, Thanh Hóa) chủ trì biên soạn Quốc sử.

Đến mùa xuân, tháng Giêng năm Nhâm Thân, niên hiệu Thiệu Long thứ 15 (năm 1272), Hàn lâm viện Học sĩ, kiêm Quốc Sử viện Giám tu Lê Văn Hưu vâng sắc chỉ soạn xong bộ Đại Việt sử ký gồm 30 quyển dâng lên nhà vua. Hoàng đế Trần Thánh Tông xuống chiếu khen ngợi.

“Bộ Quốc sử Đại Việt sử ký ngay từ khi ra đời đã có những đóng góp xứng tầm vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, đưa vương triều Trần phát triển đến đỉnh cao huy hoàng. Lê Văn Hưu vì thế đã trở thành Tổ sư của nền sử học Đại Việt – Việt Nam”, PGS-TS Trần Đức Cường khẳng định.

Theo PGS-TS Trần Đức Cường, với công trình Đại Việt sử ký, nhà sử học Lê Văn Hưu đã trở thành Tổ sư của nền sử học Đại Việt - Việt Nam

Ngọc Minh

Tại hội thảo, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã tập trung thảo luận, đưa ra các bằng chứng khoa học nhằm làm rõ thêm nguồn gốc quê hương, thân thế, sự nghiệp của nhà sử học Lê Văn Hưu. Đồng thời khẳng định giá trị, ý nghĩa của bộ Đại Việt sử ký và đóng góp to lớn của Lê Văn Hưu cho nền sử học Việt Nam.

Theo đánh giá của ban tổ chức hội thảo, các vấn đề về tiểu sử, hành trạng của Lê Văn Hưu và bộ Đại Việt sử ký dù vẫn tiếp tục phải đi sâu nghiên cứu và thảo luận nhiều hơn nữa, nhưng theo yêu cầu của cuộc hội thảo lần này, những vấn đề kể trên cơ bản đã được giải quyết và thống nhất.

Qua Hội thảo, ban tổ chức kỳ vọng sẽ nhận được nhiều hơn các ý kiến đóng góp cho mảng di sản và vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị di sản Lê Văn Hưu, nhằm làm căn cứ để hướng tới kỷ niệm 800 năm ngày sinh Danh nhân văn hóa lớn Việt Nam, Tổ sư ngành sử Lê Văn Hưu vào năm 2030.

Đặc biệt, tại hội thảo này, các đại biểu đã kiến nghị ban tổ chức đề nghị Hội Khoa học lịch sử Việt Nam chủ trì, cùng với các cơ quan hữu trách sớm có kế hoạch chuẩn bị hồ sơ đề nghị Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh nhà sử học Lê Văn Hưu nhân kỷ niệm 800 năm ngày sinh của ông vào năm 2030.

Đền thờ nhà sử học Lê Văn Hưu được xây dựng ngay trên quê hương ông (xã Thiệu Trung, H.Thiệu Hóa, Thanh Hóa)

Ngọc Minh

Theo tài liệu lịch sử, Lê Văn Hưu sinh năm Canh Dần (1230) trong một dòng họ nổi tiếng ở làng Phủ Lý, nay là xã Thiệu Trung, H.Thiệu Hóa (Thanh Hóa). 17 tuổi Lê Văn Hưu thi đậu Bảng nhãn trong khoa thi đầu tiên của nhà Trần.

Sinh thời, Bảng nhãn Lê Văn Hưu là người có lòng yêu thương dân chúng và cống hiến, phụng sự triều đình, với mong muốn góp phần xây dựng một xã hội hài hòa, đất nước thái bình, thịnh vượng. Ông mất năm Nhâm Tuất (1322), hưởng thọ 93 tuổi. Hiện nay, trên đất Thiệu Trung vẫn còn phần mộ, bia ký khắc ghi tiểu sử, ca tụng tài đức, sự nghiệp của ông.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.