Theo ông Hà Đình Bốn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB-XH), qua tổng kết 5 năm thi hành bộ luật Lao động sửa đổi năm 2012, nhiều doanh nghiệp, người lao động, tổ chức đại diện và công đoàn đã phản ánh nhiều vướng mắc, bất cập về một số nội dung như hợp đồng lao động, tiền lương, thời giờ làm việc, kỷ luật lao động, lao động nữ, lao động nước ngoài làm việc tại VN, đối thoại tại nơi làm việc, thương lượng tập thể, giải quyết tranh chấp lao động và đình công…
Bên cạnh đó, sửa đổi bộ luật Lao động lần này nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, đảm bảo sự tương thích với các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản, cam kết của VN trong các FTA thế hệ mới mà chúng ta tham gia và phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, thể chế chính trị của VN. Dự kiến sẽ có 10 nhóm chính sách thay đổi trong lần sửa đổi này, trong đó có việc đảm bảo quyền của người lao động trong việc thành lập, gia nhập và hoạt động trong tổ chức của người lao động nằm ngoài hệ thống của Tổng liên đoàn Lao động VN.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Doãn Mậu Diệp cho biết, tháng 9 tới sẽ tổ chức lấy ý kiến toàn dân, các bộ, ngành, đoàn thể và các địa phương về dự án bộ luật Lao động (sửa đổi). Tháng 1.2019 sẽ xin ý kiến các thành viên Chính phủ, tháng 5.2019 trình Quốc hội cho ý kiến và tháng 10.2019 trình Quốc hội thông qua dự thảo bộ luật Lao động (sửa đổi).
Bình luận (0)