Ngày xưa, quê tôi nghèo lắm, nghèo đến nỗi nhiều người phải đi xin ăn, phải kiếm cơm từng bữa nên mơ ước một điều quá bình thương, nhỏ nhoi bây giờ nói đến khó ai mà tin nổi. Đó là ước mơ được xem một đêm hát bội. Cả một đời lam lũ, người dân quê tôi ngày xưa mong được nghe hát bội một lần thôi mà cũng không được, sao tội nghiệp, đắng lòng. Như một lời nguyền: Được xem hát bội là quê tôi hết kẻ ăn mày, hết cảnh ăn bám vào người khác, hết kiếp nghèo hèn. Quê hương tôi đó, quê hương của tột cùng về sự nghèo khổ, tủi nhục. Đời sống vật chất thiếu thốn đủ bề, con người luôn ở cảnh cơ hàn, còn đời sống tinh thần lại thảm hại hơn, thèm khát một thú vui dân dã gắn liền với văn hóa quê hương là được xem một đêm hát bội sao mà khó quá.
Phú Hòa quê tôi xưa là làng của dân ngụ cư, người dân tha phương ở khắp nơi đến lập nghiệp. Có người vì khổ quá bỏ xứ ra đi, có người bị đè ép ngậm ngùi rời quê, người sa cơ thất nghiệp, kẻ nản chí cũng đến đây sống tạm qua ngày… nghĩa là quê tôi là nơi trú ngụ cho bất cứ những ai hết đất sống ở quê nhà đến dừng chân, làm lại cuộc đời mới. Cho nên, người dân quê tôi hầu hết đều “khố rách áo ôm”, nghèo “rớt mồng tơi”, chính vì vậy, họ làm bất cứ nghề gì để sống được, kể cả đi ăn xin. Từ đó mới có câu ca dao trên.
Xa xứ lập nghiệp, đất lạ quê người vì mưu sinh nên làm đủ việc để sống, làm thợ đụng ai kêu gì làm nấy, buôn bán mà nổi tiếng là các món ăn làm từ lúa gạo, sắn khoai; nào khoai chà, bánh tráng sắn, bánh bèo, bánh đúc, bánh ú, bánh rò, mì quảng… rồi món bánh tráng, mì quảng trở thành thương hiệu của quê tôi. Trước khi nước nhà thống nhất, năm 1975 ở làng Phú Hòa quê tôi có hai quán mì quảng nổi tiếng khắp vùng là mì Bà Tấn (bà Tấn nay đã mất, con cháu không ai theo nghề) và mì Bà Tỉnh - quán này đã qua ba thế hệ cho đến nay gần 100 năm. Song cũng buồn vì mì quảng, bánh tráng của làng Phú Hòa quê tôi nổi tiếng xa gần cũng không được gọi là mì quảng, bánh tráng Phú Hòa mà gọi là mì quảng, bánh tráng Túy Loan. Thương lắm, quê hương ơi!
Vì đâu nên nỗi này?
Túy Loan là một làng cổ xưa thuộc xã Hòa Phong, có trên 500 năm tuổi, dân cư trù phú, đất đai màu mỡ gọi là phố thị, là chiếc nôi văn hóa của cả một vùng rộng lớn phía tây huyện Hòa Vang nên tên Túy Loan ai nấy xa gần đều biết. Vì vậy, thành thói quen, do đó mỗi khi giới thiệu về mình, người dân vùng tây Hòa Vang đều nói là ở Túy Loan. Rồi Túy Loan không biết từ bao giờ đã thành địa danh chung để chỉ các địa phương của bốn xã vùng tây Hòa Vang là Hòa Nhơn, Hòa Phong, Hòa Phú, Hòa Khương. Còn Phú Hòa là làng quê thuộc xã Hòa Thịnh xưa, nay là Hòa Nhơn, là vùng đất mới, nghèo khó, làng ngụ cư nên ít ai biết và cũng chính vì thế mà bánh tráng, mì quảng Phú Hòa đều gọị là bánh tráng, mì quảng Túy Loan. Các quán mì đã nức tiếng trong Nam ngoài Bắc, vang xa đến tận nước ngoài như Mì Bà Tỉnh, Mì Thủy Chung... ở Phú Hòa người ta cũng đều gọi là mì quảng Túy Loan.
Câu ca xưa không biết có đúng với quê hương tôi không, nhưng bà tôi đã từng hát ru mẹ tôi, rồi mẹ tôi lại ru hời tôi bằng câu ca ấy trên chiếc nôi tre trong những ngày còn ấu thơ. Lớn lên, có đôi lần tôi dọ hỏi những bậc cao niên hiểu chuyện trong làng thì hầu hết họ cũng không mặn mà trả lời, khuôn mặt họ đăm chiêu nhìn về một cõi hư vô nào đó...
Giờ đây nghe câu ca se lòng ấy, tôi mong và cầu cho đây chỉ là câu ca than thân dí dỏm, để phóng đại về một thời gian khổ, cơ hàn của người dân quê tôi ngày xưa mà thôi. Lạy trời, mong câu ca xưa “Phú Hòa hát bội mới thôi ăn mày” mãi mãi là chỉ một câu ca thôi!
|
Bình luận (0)