Sẽ nêu đích danh, xử lý các địa phương để tội phạm lộng hành

04/01/2014 01:24 GMT+7

Đây là chỉ đạo của Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Chỉ đạo về phòng chống tội phạm của Chính phủ (Ban chỉ đạo 138) tại hội nghị trực tuyến ngày 3.1, đối với 18 địa phương trọng điểm về tội phạm...

Sẽ nêu đích danh, xử lý các địa phương để tội phạm lộng hành
Cảnh sát cơ động tham gia tuần tra kiểm soát, trấn áp tội phạm tại TP.HCM - Ảnh: Đàm Huy

Tâm lý xã hội không bình thường

Điểm lại tình hình tội phạm năm 2013, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương, Phó trưởng ban chỉ đạo 138, cho biết cả nước đã xảy ra 59.000 vụ án xâm phạm trật tự xã hội, tăng 5,03% so với năm trước. Tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội chiếm tỷ lệ cao, hơn 86% tổng số vụ giết người, có tới 84% là phạm tội lần đầu. Tội phạm về kinh tế, tham nhũng phức tạp, nổi lên là tội phạm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán, các tổng công ty nhà nước… gây thiệt hại lớn về tài sản. Ngoài ra, tội phạm về ma túy, buôn bán người, môi trường và công nghệ cao đều có biểu hiện phức tạp và chiều hướng gia tăng.

“Trong năm đã xảy ra nhiều vụ án dã man, tàn bạo thể hiện trạng thái tâm lý xã hội không bình thường như vụ giết 5 phu trầm ở Quảng Bình, vụ dùng súng bắn 5 cán bộ ở Thái Bình, các vụ giết người chặt xác, đốt xác ở Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu… Nhiều vụ giết người do ảo giác tâm thần vì sử dụng ma túy, game gây bức xúc dư luận”, ông Vương cho hay.

Theo Bộ Công an, hiện có 18 địa bàn trọng điểm về tội phạm trật tự xã hội, trong đó có Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng… 10 địa bàn trọng điểm về tội phạm có tổ chức. Trong năm đã có 8 địa phương chưa có dấu hiệu chuyển biến về tình hình tội phạm.

Đại diện Bộ LĐ-TB-XH cho biết, tệ nạn ma túy, mại dâm hiện nay rất đáng lo ngại, dù Thủ tướng đã có chỉ đạo nhưng một số địa phương vẫn còn lơi lỏng, thiếu biện pháp đấu tranh quyết liệt. “Đối với tình trạng người nghiện ma túy tổng hợp đang gặp bế tắc do chưa có biện pháp điều trị cai nghiện hữu hiệu. Mặt khác, quy định tòa án ra quyết định đưa người cai nghiện đi chữa bệnh đã có hiệu lực nhưng chưa có hướng dẫn nên chưa được thực hiện trên thực tế, càng khiến tình hình phức tạp hơn”, vị này cho hay.

Vì sao quyết liệt mà tội phạm không giảm ?

Đây là câu hỏi được Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang đặt ra. Phó thủ tướng cho rằng nguyên nhân khách quan do suy thoái kinh tế, lao động mất công ăn việc làm khiến “bần cùng sinh đạo tặc” là có, nhưng phải làm rõ nguyên nhân chủ quan mới là điều mấu chốt.

“Sự suy thoái về đạo đức xã hội trong khi đó vai trò của gia đình, nhà trường trong giáo dục con người còn hạn chế. Vai trò quản lý nhà nước của các ngành, địa phương đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện, vũ khí vật liệu nổ còn lỏng lẻo. Đây là những vấn đề chúng ta phải nhìn nhận rõ và siết lại”, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Ông Phúc nhận định về tinh thần trách nhiệm trong công vụ của một số đơn vị cá nhân chưa tốt, khiến hiệu quả phòng chống tội phạm chưa cao, một số nơi chưa nghiêm dẫn đến vi phạm pháp luật, đặc biệt là một số địa phương để xảy ra tội phạm lộng hành trong thời gian dài khiến người dân hoang mang.

Phó thủ tướng nhấn mạnh tại 18 địa phương trọng điểm về tội phạm trật tự xã hội, 10 địa phương có tội phạm tổ chức và 8 địa phương trì trệ, trong kỳ họp tới nếu không chuyển biến sẽ có văn bản nêu đích danh để kiểm điểm, xử lý trách nhiệm.

Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2014, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các địa phương đẩy mạnh các biện pháp phòng chống tội phạm, trong đó tập trung vào tội phạm kinh tế - tham nhũng, mua bán người, ma túy. Các cơ quan tư pháp phải tăng cường phối hợp để đẩy nhanh tiến độ điều tra xét xử các vụ án, đưa ra xét xử lưu động nhiều vụ án điểm, tiếp tục nhân rộng mô hình 141, tiếp tục mở nhiều đợt trấn áp tội phạm...

“Đời sống người dân có thể nghèo một tí nhưng yên tâm khi ra đường, không phải lo trộm cướp, giết người, tệ nạn xã hội; còn hơn là giàu mà lúc nào cũng phải nơm nớp”, Phó thủ tướng khẳng định.

Thái Sơn - Hoàng Trang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.