Sẽ nghiên cứu cách thức thu BHYT học sinh để giảm áp lực cho giáo viên

10/11/2022 16:45 GMT+7

Việc thu bảo hiểm y tế (BHYT) học sinh nhiều năm nay được giao cho nhà trường phối hợp với ngành bảo hiểm xã hội (BHXH). Tuy nhiên, có lẽ tới đây BHXH Việt Nam sẽ phải nghiên cứu cách thức thu hợp lý.

Đây là ý kiến của ông Nguyễn Đức Hòa, Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam trước những phản ánh của giáo viên, nhà trường về việc thu tiền BHYT trong trường học.

Từ năm 2021 đến tháng 8.2022, Quỹ BHYT đã chi trả gần 3.800 tỉ đồng khám, chữa bệnh BHYT cho HSSV

D.Nguyễn

Linh hoạt phương thức đóng để giảm nhẹ tiền đóng góp đầu năm

Theo BHXH Việt Nam, trong lộ trình thực hiện BHYT toàn dân, nhóm đối tượng học sinh, sinh viên (HSSV) được đặc biệt quan tâm và tiếp tục được lựa chọn là nhóm đối tượng cần sớm được bao phủ BHYT.

Việc thực hiện BHYT học sinh, sinh viên đã được quy định, luật hóa một cách thống nhất. Tại khoản 4, điều 12, luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật BHYT và điều 4, Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17.10.2018 của Chính phủ quy định HSSV thuộc nhóm do ngân sách Nhà nước hỗ trợ mức đóng không thuộc nhóm đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình.

Về mức đóng, trong năm học 2022 - 2023, mức đóng BHYT của HSSV không thay đổi so với năm học trước, mức đóng BHYT hằng tháng bằng 4,5% mức lương cơ sở (trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ 30%, HSSV tự đóng 70%).

Cụ thể: Mức đóng là 804.600 đồng/năm. Tuy nhiên, do đã được ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% nên mức thực đóng là: 563.220 đồng/năm.

Ngoài việc được ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng BHYT HSSV, để đạt mục tiêu 100% HSSV tham gia BHYT trong năm học 2022 - 2023, một số tỉnh, thành phố tiếp tục hỗ trợ thêm mức đóng BHYT cho HSSV từ ngân sách địa phương, do đó số tiền thực đóng BHYT của mỗi HSSV tiếp tục được giảm.

Đơn cử như Hà Giang hỗ trợ thêm 70%; Hưng Yên hỗ trợ thêm 30%; Điện Biên, Sơn La, Bà Rịa - Vũng Tàu hỗ trợ 20%; Kon Tum, Trà Vinh, Đồng Tháp hỗ trợ 10%; Đắk Lắk, Tiền Giang hỗ trợ 5%…

Bên cạnh đó, một số tỉnh có chính sách hỗ trợ mức đóng cho HSSV dân tộc thiểu số như: An Giang, Lâm Đồng, Gia Lai...

Về thương thức thu phí BHYT, luật BHYT năm 2014 quy định, các cơ sở giáo dục có trách nhiệm lập danh sách học sinh, sinh viên tham gia BHYT. Về trách nhiệm thu BHYT của các trường học, Thông tư liên tịch 41/2014/TTLT-BYT-BTC ngày 24/11/2014 của liên Bộ Y tế - Tài chính hướng dẫn thực hiện BHYT đã quy định: cơ sở giáo dục thu tiền đóng phần thuộc trách nhiệm phải đóng của HSSV để nộp vào quỹ BHYT.

Ngoài ra, luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật BHYT đã quy định cụ thể trách nhiệm của từng cấp, từng ngành trong triển khai BHYT. Trong đó, trách nhiệm của Bộ GD-ĐT cũng được nêu rõ: chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện việc xác định, quản lý đối tượng do Bộ GD-ĐT quản lý, trong đó có đối tượng HSSV.

Để giảm nhẹ tiền đóng góp của phụ huynh học sinh vào đầu năm học, những năm gần đây, cơ quan BHXH đã phối hợp chặt chẽ với các cơ sở giáo dục trong tuyên truyền và hướng dẫn chi tiết công tác thu BHYT học sinh, cấp kinh phí y tế học đường.

Phương thức thu linh hoạt chia thành nhiều đợt được nhiều BHXH tỉnh, thành phố triển khai, thực hiện thu theo năm tài chính. Thay vì đóng 6 tháng, 1 năm như trước đây, BHXH yêu cầu phương thức thu BHYT linh hoạt (3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng). Chỉ thực hiện thu phí BHYT một lần nếu HSSV có nguyện vọng và tự nguyện đóng.

Trong thực tiễn, một số cơ sở giáo dục tổ chức thu nhiều khoản phải đóng góp vào đầu năm học, gây sức ép tài chính cho các hộ gia đình, bên cạnh những khoản đóng góp có tính chất bắt buộc, trong đó có BHYT thì có những khoản “thu hộ” như bảo hiểm thân thể.

Tuy nhiên, một số cơ sở giáo dục không tuyên truyền, phổ biến rõ cho phụ huynh học sinh biết, điều này dẫn đến hiểu nhầm, thậm chí là hiểu sai bản chất ưu việt, tính nhân văn trong chính sách, pháp luật BHYT của nhà nước

Giảm gánh nặng chi phí khám chữa bệnh

Ông Lê Văn Phúc, Trưởng ban Chính sách BHYT (BHXH Việt Nam), cho hay việc tham gia BHYT có mức phí nhỏ song đem lại rất nhiều lợi ích lớn. HSSV tham gia BHYT không chỉ được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ y tế kỹ thuật cao, chi phí lớn khi không may ốm đau, bệnh tật, giúp gia đình các em giảm bớt gánh nặng về chi phí KCB. “Trên thực tế, quỹ BHYT đã chi trả cho rất nhiều bệnh nhân là HSSV mắc các bệnh nan y, mạn tính phải điều trị dài ngày, nhiều đợt như: chạy thận nhân tạo, điều trị ung thư, phẫu thuật tim mạch,… với chi phí từ vài chục triệu đến hàng tỉ đồng. Nhờ có tấm thẻ BHYT, nhiều HSSV và gia đình chủ động về chi phí KCB, vơi đi gánh nặng tài chính giữa lúc khó khăn khi không may bị ốm đau, bệnh tật, để HSSV yên tâm chữa bệnh, điều trị sớm quay lại môi trường cuộc sống và học tập bình thường”, ông Phúc thông tin.

Đáng chú ý nhóm HSSV đã gián tiếp được hưởng các quyền lợi này thông qua việc chăm sóc sức khỏe ban đầu tại nhà trường. Nguồn kinh phí cho hoạt động y tế trường học (trong đó có nội dung chi hỗ trợ khám sức khỏe định kỳ và phân loại sức khỏe cho HS đầu năm học; tổ chức các hoạt động tư vấn giáo dục, sức khỏe và phòng bệnh…) được trích lại từ quỹ KCB BHYT.

Công tác này không chỉ giúp HSSV và gia đình phát hiện bệnh kịp thời, chăm sóc và tạo điều kiện điều trị các căn bệnh học đường liên quan đến thị lực, điều chỉnh tư thế viết, ngồi học chống cong vẹo cột sống… mà còn dự phòng nhiều căn bệnh, phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường có thể dẫn tới những căn bệnh mạn tính, nan y nguy hiểm, đảm bảo sức khỏe các em trong tương lai.

Không chỉ giúp gia đình các HSSV giảm bớt gánh nặng chi phí KCB, tham gia BHYT còn thể hiện trách nhiệm xã hội của các em và gia đình trong việc chia sẻ rủi ro với cộng đồng. “Chính vì những lợi ích và giá trị nhân văn này, chính sách BHYT HSSV đã thực sự đi vào cuộc sống với sự chủ động, tích cực tham gia từ phía HSSV và phụ huynh. Qua đó góp phần khẳng định tính ưu việt của chính sách BHYT trong việc chăm sóc sức khỏe toàn diện cho thế hệ trẻ”, ông Phúc bày tỏ.

Trước những phản ánh về việc thu tiền BHYT trong trường học gây áp lực cho giáo viên, nhà trường về chỉ tiêu, đánh giá thi đua, Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đức Hòa cho hay: “Việc các trường học thu BHYT đã được thực hiện nhiều năm qua. Nơi nào có bộ phận y tế học đường sẽ giảm tải việc thu BHYT của các giáo viên. Trước những phản ánh này, tới đây chúng tôi cũng sẽ phải nghiên cứu tìm ra cách thức thu hiệu quả hơn để giảm áp lực cho các thầy cô”.

Để khắc phục tình trạng này, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố phối hợp chặt chẽ với Sở GD-ĐT, tham mưu UBND tỉnh, thành phố ban hành công văn chỉ đạo các cơ sở giáo dục, trong đó yêu cầu các cơ sở giáo dục phải phổ biến rõ tới phụ huynh HSSV về nghĩa vụ tham gia BHYT là quy định bắt buộc đã được luật hóa, tạo sự thống nhất, nêu cao tinh thần trách nhiệm tổ chức thực hiện hiệu quả công tác BHYT HSSV.

Để đạt mục tiêu 100% HSSV tham gia BHYT, theo BHXH Việt Nam rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị từ T.Ư tới các địa phương, đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của các nhà trường, thầy cô giáo trong việc thông tin, tuyên truyền vận động HSSV, cũng như phụ huynh HSSV tham gia BHYT.

Gần 3.800 tỉ đồng chi trả chi phí khám, chữa bệnh BHYT cho HSSV

Theo số liệu của BHXH Việt Nam, diện bao phủ BHYT HSSV qua các năm đều phát triển ổn định với xu hướng tăng dần. Riêng trong năm học 2021 - 2022, cả nước có khoảng 18,8 triệu em tham gia BHYT, đạt tỷ lệ 96% tổng số HSSV. Nhiều trường học, địa phương đã đạt mục tiêu 100% HSSV tham gia BHYT.

Năm 2021, cả nước có hơn 2,4 triệu HSSV KCB BHYT với gần 4,8 triệu lượt KCB với số tiền được quỹ BHYT chi trả là 1.981 tỉ đồng. Tương tự, 8 tháng đầu năm 2022, cả nước có gần 2,2 triệu HSSV KCB BHYT với trên 3,9 triệu lượt KCB với số tiền được quỹ BHYT chi trả gần 1.770 tỉ đồng.

Trong đó, rất nhiều trường hợp HSSV đi KCB đã được quỹ BHYT chi trả chi phí điều trị lớn. cụ thể: từ năm 2021 đến hết tháng 8.2022, có 1.293 HSSV được quỹ BHYT chi trả chi phí KCB từ 100 - 200 triệu đồng; có 476 HSSV được chi trả chi phí từ 200 - 500 triệu đồng; 44 HSSV được chi trả chi phí từ trên 500 triệu đồng. Cá biệt, có 3 trường hợp được chi trả lên đến hơn 1 tỉ đồng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.