Tích hợp thông tin khác vào thẻ căn cước công dân
Chính phủ vừa có tờ trình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đề nghị điều chỉnh chương trình xây dựng luật năm 2023.
Theo đó, tại kỳ họp thứ 5 khai mạc trong tháng 5 tới, Chính phủ đề nghị bổ sung vào chương trình xây dựng luật năm 2023 6 dự án luật, trong đó có luật Căn cước công dân sửa đổi do Bộ Công an chủ trì.
Tờ trình của Chính phủ cho hay, việc sửa đổi luật Căn cước công dân để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thi hành luật Căn cước công dân năm 2014 và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ liên quan đến ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phát huy tiện ích thẻ căn cước công dân.
Cụ thể, Chính phủ đề nghị xây dựng luật Căn cước công dân sửa đổi với 4 nhóm chính sách, bao gồm các quy định việc tích hợp thông tin khác ngoài thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước công dân vào thẻ căn cước công dân.
Theo đó, thẻ căn cước công dân có giá trị sử dụng để cung cấp thông tin về công dân và tương đương việc xuất trình các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp có thông tin đã được in hoặc tích hợp trong thẻ căn cước công dân.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng dự kiến quy định về việc bổ sung thông tin lưu trữ trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân.
Cùng với đó, bổ sung đối tượng được cấp thẻ căn cước công dân và đối tượng được cấp giấy chứng nhận căn cước.
Ngoài ra, Chính phủ cho biết, luật sửa đổi cũng sẽ hoàn thiện quy định về quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân; tài khoản định danh điện tử (căn cước điện tử) và việc sử dụng tài khoản định danh điện tử; cấp, hủy, thu hồi số định danh cá nhân.
Chính phủ cũng dự kiến sẽ quy định về việc sử dụng thống nhất thẻ căn cước công dân, hạn chế phát sinh thủ tục hành chính có liên quan.
Sẽ quy định thống nhất dùng thẻ căn cước công dân
Trình lại luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ
Ngoài dự án luật nói trên, 5 dự án luật khác được Chính phủ đề nghị bổ sung vào chương trình kỳ họp thứ 5 gồm: luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Công an nhân dân; luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); luật Đường bộ; luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ; luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Trong số này, 3/5 dự án luật cũng do Bộ Công an chủ trì soạn thảo.
Trong đó, dự án luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Công an nhân dân được Chính phủ đề nghị trình thông qua theo quy trình 1 kỳ họp.
Theo dự thảo được công bố, Bộ Công an đề nghị bổ sung 6 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng trong lực lượng công an, gồm 1 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là thượng tướng, 5 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là thiếu tướng.
Bộ Công an cũng đề xuất sửa đổi bổ sung quy định về hạn tuổi phục vụ của sĩ quan, hạ sĩ quan công an theo hướng nâng hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan công an nhân dân lên thêm 2 tuổi.
Riêng đối với nữ sĩ quan có cấp bậc hàm đại tá thì tăng 5 tuổi, từ 55 tuổi lên 60 tuổi; thượng tá tăng 3 tuổi từ 55 tuổi lên 58 tuổi; cấp tướng giữ nguyên mức 60 tuổi.
Ngoài ra, 3 dự án luật Giao thông đường bộ, luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ và luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, là các dự án luật Quốc hội "trả lại" để Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện tại kỳ họp thứ 10, tháng 10.2020.
Trong đó, vấn đề lớn nhất là việc tách luật Giao thông đường bộ hiện hành thành 2 luật Đường bộ do Bộ Giao thông vận tải chủ trì và luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ do Bộ Công an chủ trì.
Dự kiến, đề nghị bổ sung chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định tại phiên họp trong tháng 3.
Bình luận (0)