Đây là một trong những nội dung của đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025 được Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết tại cuộc trao đổi với báo chí hôm qua (1.2).
Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Trương Minh Tuấn - Ảnh: Trường Sơn
|
Trước đó, tại Hội nghị T.Ư 10 (khóa 11), BCH T.Ư Đảng đã khẳng định sự cần thiết phải sớm ban hành và tổ chức thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025. Theo Thứ trưởng Trương Minh Tuấn, đến nay cả nước có 845 cơ quan báo in với 1.118 ấn phẩm báo chí; 1 hãng thông tấn quốc gia, 67 đài PT, TH T.Ư và địa phương; số lượng các kênh chương trình PT-TH quảng bá là 179 kênh; 98 cơ quan báo chí điện tử và 1.525 trang thông tin điện tử tổng hợp; 420 mạng xã hội. Có gần 18.000 nhà báo được cấp thẻ và khoảng 5.000 phóng viên đang hoạt động báo chí nhưng chưa đủ điều kiện cấp thẻ nhà báo đang hoạt động trong và ngoài nước.
“Thực tiễn hiện nay cho thấy, số lượng các cơ quan báo chí và ấn phẩm tăng nhanh trong những năm qua nhưng cơ cấu chưa thật hợp lý. Một số bộ, ngành, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, địa phương có nhiều cơ quan, ấn phẩm báo chí. Một số báo có nhiều ấn phẩm phụ có nội dung không phù hợp với tôn chỉ mục đích. Hệ thống đài PT-TH các tỉnh, thành được đầu tư về khả năng phát sóng vượt xa so với khả năng sản xuất chương trình”, Thứ trưởng Tuấn cho biết. “Về quan điểm, báo chí là phương tiện thông tin, công cụ tuyên truyền, vũ khí tư tưởng quan trọng của Đảng và Nhà nước, diễn đàn của nhân dân, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, sự quản lý của nhà nước, hoạt động trong khuôn khổ pháp luật”, Thứ trưởng Tuấn khẳng định.
Theo ông Tuấn, nhà nước cần phải có cơ chế tài chính, đào tạo đội ngũ phóng viên, biên tập viên, tạo điều kiện cần thiết cho báo chí phục vụ nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền, đồng thời khuyến khích các cơ quan báo chí tăng cường huy động nguồn lực phát triển nhưng phải bảo đảm đúng tôn chỉ mục đích, không chạy theo lợi nhuận thuần túy, không để tư nhân sở hữu báo chí, không để nhóm lợi ích chi phối báo chí.
Trên các cơ sở này, Thứ trưởng Tuấn cho biết theo định hướng, phát triển báo chí phải phù hợp với xu thế phát triển khoa học công nghệ và xu thế phát triển thông tin, truyền thông thế giới; kết hợp chặt chẽ các loại hình báo chí đồng thời phát huy lợi thế của các phương tiện, dịch vụ thông tin internet, chủ động cung cấp thông tin chính thống, tăng diện bao phủ trong nước và quốc tế, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực và bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng. “Những cơ quan báo chí hoạt động không hiệu quả sẽ được xem xét sắp xếp và tổ chức lại cho phù hợp với quy hoạch và tình hình thực tế”, ông Tuấn cho biết.
Liên quan đến lộ trình sáp nhập Đài truyền hình kỹ thuật số (VTC) về Đài tiếng nói VN (VOV), Thứ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết định hướng tới đây là VTC sẽ được sáp nhập vào VOV và đây cũng là một nội dung trong lộ trình thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025. Tuy nhiên, theo ông Tuấn việc thực hiện sẽ cần có thời gian dài do hiện tại đề án cụ thể về việc sáp nhập, chia tách, phân chia tài sản vẫn chưa được xây dựng xong. Theo Thứ trưởng Tuấn, việc chia tách, sáp nhập có thể kéo dài vài năm.
Trước đó, ngày 31.1, tại một hội nghị truyền thông tổ chức tại Quảng Ninh, ông Nguyễn Đăng Tiến, Tổng giám đốc VOV, khẳng định Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định chính thức, giao cho VOV tiến hành sáp nhập VTC và VOV đang báo cáo với Bộ Thông tin - Truyền thông và Thủ tướng về việc này.
Bình luận (0)