Tôi mở điện thoại lên xem dự báo thời tiết thì thấy trời đang 11 độ, thảo nào các bạn sinh viên bản địa và du học sinh xung quanh tôi vừa nói chuyện vừa run cầm cập. Chúng tôi đang hối hả từ đi từ ký túc xá đến lớp. Chỉ còn vài môn nữa thôi là tôi sẽ kết thúc học kỳ này, và hình ảnh về những nồi bánh tét đang nghi ngút khói ở quê nhà liên tục hiện lên trong đầu tôi.
Tác giả cùng bạn bè quốc tế đón Giáng sinh năm 2021 tại Đài Loan |
NVCC |
“Sẽ sớm về quê đón tết thôi” - tôi luôn lẩm bẩm câu này trong đầu mình và có lẽ đây là liều thuốc tinh thần giúp tôi vượt qua thời tiết lạnh giá vào những ngày cuối đông này. Miền Bắc Đài Loan mùa này nhiệt độ xuống rất thấp, nhiều sương mù. Nếu có mưa phùn thì nhiệt độ ngoài trời có khi xuống đến 8 độ vào ban ngày. Một số vùng núi cao, nhất là các công viên quốc gia thường có tuyết rơi vào mùa này.
Rời Việt Nam vào tháng 3, khi dịch Covid-19 chưa bùng phát, tôi đã ở đây được gần 1 năm, đủ để cảm nhận được đầy đủ bốn mùa ở miền Bắc Đài Loan. Miền Nam Đài Loan có khí hậu khác hẳn, nóng hơn nhiều, đặc biệt là ở Cao Hùng, tôi chưa từng trải nghiệm nhưng chắc cũng không thể khó chịu hơn mùa gió Lào hay còn gọi là “mùa gió Nam cồ” ở Phú Yên quê tôi. Nói gì nói, cứ mỗi hè về nếu không có cái nóng của thứ “gió Nam cồ” ấy thì tôi vẫn thấy thiếu thốn một thứ gì đó...
Đại dịch làm thay đổi cách thức thế giới vận hành, cũng như cách thức con người thương yêu nhau. Những ngày Việt Nam chìm trong cơn hoành hoành của dịch bệnh, ngày nào tôi cũng đọc hàng tá tin tức về tình hình trong nước. Vì quá xa xôi không thể giúp được gì nhiều nhưng thông qua những hội nhóm từ thiện trên mạng, tôi cũng cố gắng đóng góp chút ít để các nhóm tiếp viện rau củ hoạt động trong suốt thời gian giãn cách nghiêm ngặt. Vài ký bắp cải hay vài bó rau cũng chẳng đáng là bao so với những mất mát của hàng chục ngàn người trong đại dịch, nhưng thứ cảm giác mình vẫn còn có ích giữa cuộc đời là điều đã thôi thúc tôi. Nó cũng khỏa lấp nỗi nhớ quê hương, thứ mà tưởng chừng tôi đã quen thuộc trong nhiều năm lang thang các nước trong khu vực.
Tác giả trong khuôn viên Trường ĐH Nguyên Trí (TP.Đào Viên, Đài Loan) |
NVCC |
Đêm giao thừa đón chào năm mới dương lịch 2022, tôi và lũ bạn người Việt rủ nhau lên Đài Bắc xem pháo hoa. Dầm mình giữa tiết trời lạnh giá lẫn mưa phùn để đợi thời khắc pháo hoa bùng nổ trên bầu trời kể cũng là một cực hình nhưng cái cảm giác được nghe tiếng Việt vang lên xung quanh kể cũng đủ khiến tôi hạnh phúc. Tôi nhận ra rằng rất nhiều người Việt sang đây lao động cũng đến tòa nhà Đài Bắc 101 - biểu tượng của thành phố để xem pháo hoa như chúng tôi. Ở thời khắc 0 giờ, chúng tôi cùng reo lên “Chúc mừng năm mới” bằng tiếng Việt giữa biển người nói đủ thứ tiếng, từ tiếng Hoa, tiếng Philippines, Indonesia đến tiếng Thái… đủ khiến những sinh viên xa quê hương như chúng tôi thấy ấm lòng. Chúng tôi cùng cười nói, chúc mừng nhau dù trước đó một phút chúng tôi chưa hề quen biết nhau.
Tôi còn có một trải nghiệm khác nữa, thứ mà tôi nghĩ rằng nó sẽ đi theo tôi trong nhiều năm phía trước. Dịp hè vừa rồi, tôi tranh thủ đi làm thêm một cùng với các bạn người Việt xuất khẩu lao động trong một nhà máy chuyên về thực phẩm. Tôi đi làm ca khuya từ 23:30 đến 4:30 sáng vì những ca còn lại đã kín người. Các bạn biết đấy, làm trong kho lạnh là một công việc không hề dễ dàng. Trong những ngày làm cùng họ, tôi đã nghe được nhiều câu chuyện cảm động về hoàn cảnh của họ ở quê nhà, đã chứng kiến sự yêu thương chia sẻ của những người gọi nhau bằng hai tiếng “đồng bào”. Tôi biết rằng những đồng tiền họ gửi về quê hương chứa cả mồ hôi, nước mắt và những đêm thức trắng. Và càng trân quý hơn nữa khi được biết trong đợt đại dịch vừa qua, ai cũng cố gửi tiền về giúp cho người thân, bè bạn dù chính họ cũng phải cố gắng trang trải cuộc sống bên này.
Chỉ còn vài ngày nữa thôi là tôi lại được về Việt Nam, được ăn bữa cơm sum vầy cùng gia đình. Lần đi này ngắn hơn những lần trước nhiều nhưng không hiểu sao tôi lại thấy nôn nao đến thế. Tôi chợt nhận ra dù cho đạt được những thành công gì trong cuộc sống thì gia đình vẫn là thứ quan trọng nhất. Tài sản, của cải mất đi thì có thể làm lại được nhưng gia đình thì không.
Phải chăng sau nhiều năm bôn ba tôi đã cảm thấy mệt mỏi? Phải chăng khi người ta càng lớn, người ta càng hướng về cội nguồn? Mỗi người có thể có một câu trả lời khác nhau nhưng tôi tin chắc ai cũng đặt quê hương ở một vị trí quan trọng nhất trong tim mình.
Bài thuyết trình gần nhất của tôi là về Tết Việt Nam. Tôi đã cố gắng chuyển tải tất cả những cái hay, cái đẹp của dịp lễ truyền thống quan trọng nhất của đất nước đến bạn bè quốc tế, từ hoa mai, hoa đào, từ tiền mừng tuổi cho đến bánh chưng, củ kiệu, thứ mà tôi viết bằng “nỗi nhớ”.
Khuôn viên Trường ĐH Nguyên Trí, nơi tác giả đang theo học |
NVCC |
Số lượng du học sinh Việt Nam hàng năm đang ngày càng tăng mạnh. Đây là điều đáng mừng vì người Việt giờ đây đã có nhiều điều kiện hơn để hội nhập quốc tế. Nhưng điều gì là quan trọng nhất trong hành trình hội nhập quốc tế? Có lẽ đây là một câu hỏi không có câu trả lời cụ thể. Theo tôi kiến thức học được chưa phải là điều quan trọng nhất. Thứ quan trọng nhất là có lẽ kiến thức ấy được áp dụng như thế nào. Có người chọn ở lại xứ người, có người chọn về quê hương để đóng góp. Ở đâu cũng được nhưng nếu áp dụng được những gì mình đã học để làm lợi ích cho xã hội thì sẽ tốt hơn là để kiến thức ấy bị thui chột.
Trong thời gian gần đây đã có rất nhiều hội nhóm cựu du học sinh Việt Nam đã liên kết cùng nhau tạo ra nhiều quỹ học bổng và đã giúp đỡ được rất nhiều học sinh nghèo, vùng sâu vùng xa. Nhờ đó các em đã có được một điểm nương tựa vững chắc để tiếp tục học tập để thay đổi cuộc đời. Nếu không có sợi dây tình cảm quê hương thiêng liêng vô hình gắn kết thì những điều ấy cũng chẳng thực hiện được khi mà mỗi người con đất nước đều ở một vùng trời khác nhau.
Càng về đêm, trời càng lạnh và trước mắt một du học sinh xa nhà như tôi dần hiện ra những tiếng cười vui của ba mẹ, của lũ cháu ở nhà, cũng như tiếng sóng vỗ rì rào của những chiều lang thang bên bờ sông Ba cùng lũ trẻ cùng làng.
Bình luận (0)