Sẽ tăng mức xử phạt khi cưỡng ép người mua bảo hiểm

17/09/2023 09:34 GMT+7

Bộ Tài chính đề xuất tăng mức phạt đối với một số hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo hiểm như không giải thích rõ quyền và nghĩa vụ cho người mua, cưỡng ép người mua bảo hiểm.

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số. Tại dự thảo này, Bộ Tài chính đề xuất tăng mức phạt đối với một số hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo hiểm (BH). 

Sẽ tăng mức xử phạt khi cưỡng ép người mua bảo hiểm - Ảnh 1.

Các hành vi vi phạm trong việc bán bảo hiểm sẽ bị tăng mức xử phạt

NGỌC THẮNG

Chẳng hạn, đối với việc bán sản phẩm bảo hiểm nhân thọ và BH sức khỏe, một hành vi vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 90 triệu đồng - 100 triệu đồng thay cho mức phạt từ 40 - 50 triệu đồng như quy định hiện hành. Hoặc vi phạm quy định về sản phẩm BH, hoa hồng BH sẽ bị phạt từ 60  - 70 triệu đồng thay vì mức phạt hiện tại chỉ từ 10 - 20 triệu đồng.  Phạt tiền từ 90 - 100 triệu đồng đối với doanh nghiệp BH, chi nhánh doanh nghiệp BH phi nhân thọ nước ngoài chi trả hoa hồng đại lý, hỗ trợ, thưởng và quyền lợi khác vượt quá mức tối đa quy định.

Dự thảo quy định, các hành vi vi phạm là không cung cấp cho người mua BH các tài liệu trong quá trình giao kết hợp đồng; Không giải thích rõ ràng, đầy đủ cho bên mua về quyền lợi BH, điều khoản loại trừ trách nhiệm NH, quyền và nghĩa vụ của bên mua khi giao kết hợp đồng BH theo quy định; Không cung cấp cho bên mua bằng chứng giao kết hợp đồng BH; Đe dọa, cưỡng ép giao kết hợp đồng BH; Tài liệu giới thiệu sản phẩm không phản ánh trung thực các thông tin cơ bản tại quy tắc, điều khoản của sản phẩm bảo hiểm. 

Bên cạnh đó, dự thảo cũng bổ sung các quy định xử phạt đối với hành vi vi phạm về quản trị rủi ro, kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ, các quy định về việc thực hiện biện pháp cải thiện, các quy định về việc thực hiện biện pháp can thiệp sớm, các quy định về việc thực hiện biện pháp kiểm soát, không thực hiện trách nhiệm khi bị áp dụng biện pháp cải thiện, can thiệp sớm, biện pháp kiểm soát.

Bổ sung hành vi vi phạm về công khai thông tin, một số quy định mới về xử phạt quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố trong lĩnh vực kinh doanh BH. Chẳng hạn, doanh nghiệp BH sẽ bị phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng đối với vi phạm quy định về ký quỹ thay vì chỉ bị cảnh báo như hiện tại... 

Theo Bộ Tài chính, trong giai đoạn 2011-2020, thị trường BH đạt mức tăng trưởng bình quân 17%/năm. Năm 2022, tổng tài sản thị trường BH đạt 811.312 tỉ đồng (tăng 14,51% so với cùng kỳ năm 2021), trong đó các doanh nghiệp BH phi nhân thọ đạt 117.229 tỉ đồng, các doanh nghiệp BH nhân thọ đạt 694.083 tỉ đồng, đầu tư trở lại nền kinh tế: đạt 656.423 tỉ đồng (tăng 12,56% so với cùng kỳ năm 2021). Thị trường BH ngày càng thể hiện được vai trò, vị trí đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, cũng như một phần đem lại sự bảo vệ về tài chính, sức khỏe cho nhân dân. Tuy nhiên, qua thực tiễn công tác quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh NH cho thấy, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này phải được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.