Sẽ tham khảo kinh nghiệm quốc tế để quản lý giá thiết bị y tế

20/02/2023 07:16 GMT+7

Theo thông tin từ một số bệnh viện thuộc Bộ Y tế, việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế gặp khó khăn do đơn vị không xác định được giá phù hợp.

"Hiện, khi mua sắm chúng tôi không biết mua giá nào là hợp lý, vì giá các thiết bị, vật tư do các đơn vị cung cấp tự quyết định. Bệnh viện (BV) không thể đủ khả năng thẩm định giá. Chúng tôi rất mong muốn nhà nước có quy định chặt chẽ, rõ ràng về giá trang thiết bị (TTB) y tế. Ví dụ, nên có quy định về mức độ chênh lệch giá bán ra so với giá gốc", một lãnh đạo của BV Bạch Mai (Hà Nội) nêu ý kiến.

Theo ông Nguyễn Minh Lợi, Vụ trưởng Vụ TTB và công trình y tế (Bộ Y tế), đấu thầu mua sắm công phải thực hiện theo luật Đấu thầu và hướng dẫn của Bộ KH-ĐT và Bộ Tài chính. Nếu các đơn vị có khó khăn, vướng mắc thì tổng hợp lại để Bộ Y tế sẽ đề xuất, sửa đổi.

Ông Lợi cho rằng, hiện trong nước chưa có quy định về mức lợi nhuận, chênh lệch của giá gốc với giá bán ra thị trường, không có quy định giá trần. Trần giá (lợi nhuận tối đa - PV) được phép là bao nhiêu với TTB đó, thì Bộ Y tế và các bộ liên quan sẽ phải nghiên cứu. "Trong thời gian tới, khi làm luật về thiết bị y tế thì sẽ tính. Chúng tôi đang tìm hiểu quy định của các nước như thế nào", ông Lợi cho biết.

Sẽ tham khảo quốc tế để áp trần đối với giá thiết bị y tế - Ảnh 1.

Giá trang thiết bị y tế phụ thuộc vào chất lượng và tiến độ thanh toán (ảnh minh họa)

Duy Tính

Theo ông Lợi, giá nhập khẩu và thêm các chi phí đào tạo, bảo hành bảo trì... thì mới ra được giá bán cuối cùng. Còn chuyện giá bán nào hợp lý so với giá nhập, thì sẽ phải nghiên cứu thêm. Tuy nhiên, hiện đã có quy định không mua bán lòng vòng. Vì theo luật Dân sự, đơn vị sở hữu máy và bên bán máy không được ủy quyền 2 lần. Nguyên tắc chung, người mua muốn mua giá tốt thì phải chủ động tìm mua của nhà phân phối chính thức ban đầu, không mua qua trung gian.

GIÁ MÁY DO BV TƯ MUA KHÔNG LÀ GIÁ CHUẨN CHO BV CÔNG

Ông Lợi cho hay, "để quy định được về mức lợi nhuận hợp lý với thiết bị y tế thì mình phải xem thông lệ quốc tế như thế nào, chứ VN cũng không làm khác được vì chúng ta đã hội nhập rồi".

Vụ trưởng Vụ TTB - công trình y tế cũng cho rằng: "Không thể so sánh giá mua giữa đơn vị nhà nước và giá của tư nhân". Lý do, để quy định, xác định được giá TTB thì phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó có liên quan đến chất lượng sản phẩm; số lượng mua và phương thức thanh toán... Riêng về phương thức thanh toán, với đơn vị công lập, khi mua, các BV công thường thanh toán chậm, thậm chí còn chậm hơn so với hợp đồng đã thỏa thuận do không có tiền. BV nợ thì ảnh hưởng đến doanh nghiệp bán máy vì doanh nghiệp lại đi vay tiền ngân hàng, do đó cũng ảnh hưởng đến giá bán TTB thực tế. Khi tư nhân mua, họ thanh toán ngay nên giá sẽ rẻ hơn.

Trước thực tế một số BV công sử dụng máy xét nghiệm là máy "đóng" (máy của hãng nào thì cũng dùng hóa chất của hãng đó) nên bên cung cấp máy độc quyền về hóa chất, ông Lợi cho hay, có dòng máy "đóng" và có máy "mở", tùy vào nhà sản xuất và tùy chức năng xét nghiệm chứ không phải tất cả các máy xét nghiệm đều là máy "đóng". Có những xét nghiệm muốn làm thì chỉ mua được dòng máy đó, mà dòng máy đó lại là máy "đóng", nhưng không phải tất cả máy đều là máy "đóng".

Do đó, theo ông Lợi, luật Đấu thầu sửa đổi sẽ có những điểm điều chỉnh liên quan đến mua sắm công. Trong trường hợp các xét nghiệm có thể thực hiện bằng máy "mở" thì nên mua máy này để có thể sử dụng được hóa chất của các nhà cung cấp khác nhau, tránh phụ thuộc vào một đơn vị cung cấp hóa chất.

Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 144 của Thủ tướng Chính phủ

Bộ Y tế vừa có công văn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư, các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Y tế; y tế các bộ, ngành về việc báo cáo, đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết 144 ngày 5.11.2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo đảm thuốc, TTB y tế và thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Bộ Y tế đề nghị các đơn vị nghiên cứu và theo chức năng, nhiệm vụ được phân công xây dựng báo cáo gửi về Bộ tình hình thực hiện Nghị quyết số 144, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện. Đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 144 (nếu có); giải pháp để bảo đảm thuốc, TTB y tế và làm rõ lý do, thuyết minh về đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung. Văn bản báo cáo gửi về Bộ Y tế (Vụ Pháp chế) trước ngày 23.2 để Bộ Y tế tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Theo một số BV, Nghị quyết 144 đã giải quyết được tình hình thiếu thuốc, đã gia hạn số đăng ký thuốc. Đã giải quyết được thanh toán vật tư, hóa chất đối với hợp đồng ký trước ngày 5.11.2022 sử dụng trên máy mượn, máy đặt có thời gian đến 5.11.2023; tuy nhiên cần làm rõ những hợp đồng ký sau ngày 5.11.2022. Khó khăn hiện nay là một số hóa chất, vật tư hết hạn đăng ký vẫn chưa được gia hạn khiến các BV thiếu hóa chất, vật tư. Việc sửa chữa, mua sắm TTB y tế vẫn còn vướng luật…

Duy Tính

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.