Đủ tiền trả "phí lót tay" 2 đến 3 năm
Những ngày qua, tương lai của các trụ cột CLB bóng đá nữ TP.HCM đang là chủ đề nóng được đông đảo người hâm mộ quan tâm. Phó giám đốc Sở VH-TT TP.HCM Nguyễn Nam Nhân cho biết sẽ đích thân trao đổi để chia sẻ sự ghi nhận của thành phố với cống hiến, năng lực của các cầu thủ nữ. Ông Nhân cho biết: "Đầu tiên, tôi khẳng định thành phố không ngăn cản các cầu thủ ra đi, chưa hề ra văn bản nào ràng buộc các em hết. Ngược lại, chúng tôi ghi nhận các đóng góp, sẵn sàng đưa ra mức đãi ngộ xứng đáng cho các nữ cầu thủ. Mục tiêu của Sở VH-TT TP.HCM là huy động các nguồn xã hội hóa nhằm ký hợp đồng dài hạn 2 đến 3 năm để cầu thủ an tâm ở lại cống hiến. Suốt thời gian qua, dưới sự hỗ trợ của thành phố, chúng tôi đã liên hệ nhiều nguồn lực xã hội hóa để có thể chi trả mức lương và mức thỏa thuận hỗ trợ tái ký hợp đồng tương xứng.
Trước mắt, BHL CLB nữ TP.HCM đã có đánh giá năng lực của từng cá nhân. Chúng tôi đã giữ chân HLV Đoàn Thị Kim Chi. HLV Kim Chi sẽ có đề xuất để giữ lại các cầu thủ với mức đãi ngộ phù hợp. Riêng với Kim Thanh, Bích Thùy hay Trần Thị Thu theo đánh giá của BHL phải có mức khác nhau. Tôi cho rằng sẽ cần phải có nhiều cuộc trao đổi để các em hiểu rõ hơn sự ghi nhận và chính sách hỗ trợ của thành phố, tránh những hiểu lầm không đáng có. Đến lúc này, tôi có thể tự tin rằng CLB bóng đá nữ TP.HCM sẽ có đủ lực để giữ chân các trụ cột theo hợp đồng dài hạn 2 đến 3 năm".
Thành lập công ty cổ phần bóng đá nữ TP.HCM
Cũng trong phần chia sẻ với Báo Thanh Niên, ông Nguyễn Nam Nhân nhắc đến việc Sở VH-TT TP.HCM sẽ hướng đến thay đổi mô hình quản lý CLB bóng đá nữ TP.HCM theo hướng chuyên nghiệp hóa như AFC yêu cầu. Hiện tại, nguồn kinh phí của đội bóng đang đến từ 2 nguồn trợ cấp nhà nước và xã hội hóa. Bóng đá nữ TP.HCM đặt ở Trung tâm TDTT Q.1 thuộc UBND Q.1 nên Sở VH-TT quản lý, hỗ trợ chưa thực sự thuận lợi. Điều này đặt ra yêu cầu phải thay đổi mô hình quản lý và hạ tầng chính sách pháp lý cho bóng đá nữ TP.HCM. Ông Nhân cho biết: "Bóng đá nữ xuất phát từ Q.1 và sắp tới nơi đây vẫn sẽ duy trì phong trào phát triển bóng đá trẻ nữ. Tuy nhiên, UBND Q.1 giao cho Trung tâm TDTT Q.1 quản lý chung nhiều môn thể thao và phát triển phong trào thể thao quận, không riêng gì bóng đá nữ. Trong khi Sở VH-TT có chức năng quản lý thể thao đỉnh cao, không riêng bóng đá nữ. Do vậy, sắp tới chúng tôi sẽ đưa đội tuyển bóng nữ TP.HCM (đội 1) về quản lý trực tiếp tại Trung tâm TDTT Thống Nhất, nơi đang quản lý bộ môn bóng đá trực thuộc Sở VH-TT TP.HCM.
Xa hơn, chúng tôi sẽ đề xuất thành lập mô hình công ty cổ phần bóng đá nữ TP.HCM với nhà nước là một cổ đông, có thể tham gia hỗ trợ định hướng sự phát triển đúng đắn cho đội bóng. Đó là xu hướng tất yếu vì đến năm 2025, VN sẽ cử CLB bóng đá nữ tham dự các cúp của AFC, đồng nghĩa các CLB sẽ phải chuyển sang mô hình công ty cổ phần như AFC yêu cầu. Hiện nay, chúng tôi đã tìm ra giải pháp mới để có các nguồn thu tài trợ, đảm bảo khả năng chi trong 2 năm tới. Bóng đá nữ TP.HCM sẽ có cơ chế để khai thác nguồn thu từ tài nguyên thương hiệu, từ sự ủng hộ của xã hội hóa. Đội bóng có thể bán quảng cáo trên ngực áo nhưng trước mắt chúng tôi vẫn muốn giữ nguyên tên CLB bóng đá nữ TP.HCM".
Bình luận (0)