Sẽ tích hợp 7 loại giấy phép về môi trường làm một

13/08/2020 06:34 GMT+7

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ - Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết Chính phủ đề xuất chỉ dùng 1 loại giấy phép về môi trường thay thế cho 7 loại giấy tờ thủ tục hành chính về môi trường.

Báo cáo một số vấn đề lớn tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sáng 12.8, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ - Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết Chính phủ đề xuất chỉ dùng 1 loại giấy phép về môi trường thay thế cho 7 loại giấy tờ thủ tục hành chính về môi trường, gồm: giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường; giấy phép xả nước thải vào nguồn nước (quy định tại luật Tài nguyên nước); giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi (quy định tại luật Thủy lợi); giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất; giấy phép xử lý chất thải nguy hại; sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại; giấy phép xả khí thải công nghiệp.
Tuy nhiên, theo ông Dũng, một số ý kiến đề nghị làm rõ việc tích hợp giấy phép xả thải vào công trình thủy lợi hiện đang được Bộ NN-PTNT cấp quy định tại luật Thủy lợi mới có hiệu lực từ 1.7.2018. Do đó, Ủy ban Khoa học, Công nghệ - Môi trường trình 2 phương án xin ý kiến UBTVQH. Theo đó, phương án 1 là tích hợp 7 giấy phép làm 1 và phương án 2 là tách riêng giấy phép xả thải vào công trình thủy lợi đang được quy định trong luật Thủy lợi.
Thảo luận sau đó, nhiều ý kiến cho rằng nên tích hợp 7 giấy phép thủ tục về môi trường trong 1 giấy do Bộ TN-MT cấp là cần thiết, nhằm cắt giảm thủ tục hành chính, đồng thời đúng thẩm quyền của cơ quan chuyên ngành; không nên để giấy phép xả thải vào công trình thủy lợi riêng.
Theo Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu, bản chất là nước xả thải có đảm bảo quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường hay không chứ không phải việc xả thải vào công trình nào và cơ quan nào cấp giấy phép. Trong khi đó, Trưởng ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy thì đề nghị vẫn nên cân nhắc giao cho Bộ NN-PTNT cấp giấy phép này vì việc này liên quan tới nước sản xuất, canh tác. Kết luận phiên làm việc, Phó chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển đề nghị vẫn để cả 2 phương án để tiếp tục nghiên cứu.
Một vấn đề khác cũng nhận được sự quan tâm của các thành viên UBTVQH là đề xuất lộ trình từ năm 2025 bắt đầu thu phí thu gom xử lý rác của người dân theo khối lượng và chủng loại. Ông Phan Xuân Dũng cho biết dự thảo luật giao UBND cấp tỉnh quy định cụ thể hình thức và mức kinh phí hộ gia đình, cá nhân phải chi trả trước ngày 1.1.2025. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên - Nhi đồng Phan Thanh Bình ủng hộ phân loại rác tại nguồn, song cho hay đây là vấn đề khó, nói hàng chục năm rồi nhưng chưa làm được và cho rằng lộ trình 5 năm là cần thiết để trước hết làm tốt công tác thu gom rồi tới phân loại rác thải sinh hoạt.
Trong khi đó, theo Trưởng ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy, lộ trình 5 năm tới 2025 mới thực hiện phân loại và thu phí rác thải theo khối lượng, chủng loại là quá dài. "Nếu có quy định bắt buộc và lộ trình rõ ràng hơn trong 1 - 2 năm sẽ tạo thói quen, tập quán. Nếu không quyết tâm thì rất lãng phí. Mất thêm 5 năm", ông Túy nói và đề nghị nghiên cứu lộ trình ngắn hơn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.