Tăng xử phạt hành chính lên tối đa 3 tỉ
Trình bày tờ trình của Chính phủ về dự luật Chứng khoán sửa đổi tại phiên họp thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 16.4, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, một trong những điểm mới của dự thảo Luật là tăng mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán lên tối đa 3 tỉ đồng đối với tổ chức và 1,5 tỉ đồng đối với cá nhân, tăng gấp rưỡi so với mức hiện tại (tương ứng là 2 tỉ và 1 tỉ đồng) để tăng mức răn đe.
Báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày đồng tình cho rằng việc nâng mức xử phạt là cần thiết. Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị cân nhắc quy định mức xử phạt tối đa dựa trên số tiền gây thiệt hại, hoặc quy định các hình phạt bổ sung trên cơ sở rà soát tổng thể quy định của pháp luật hiện hành liên quan.
Cho ý kiến sau đó, nhiều ý kiến của các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội băn khoăn việc nâng mức phạt vi phạm hành chính liệu có phù hợp với luật Xử lý vi phạm hành chính hay không, vì mức xử phạt tối đa theo luật này chỉ là 1 tỉ đồng đối với cá nhân, còn tổ chức chỉ là 2 tỉ đồng.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng đặt câu hỏi liệu việc nâng mức xử phạt có phù hợp với bộ luật Hình sự hay không, khi tại điều 209 về “Tội cố ý công bố thông tin sai lệch, hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán” chỉ quy định mức phạt từ 100 - 500 triệu đồng.
"Chúng ta sửa đổi quy định về xử phạt nâng lên hàng tỉ đồng trở lên thì có dẫn đến việc mức xử hình sự có nhẹ hơn hành chính không?”, bà Nga nêu.
|
Trả lời vấn đề này, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng cho biết, trong lĩnh vực chứng khoán, tài chính, khi vi phạm thì giá trị thường rất lớn nên ban soạn thảo đã trình Chính phủ xin một mức đặc thù. Theo ông Dũng, mức này là tương đối phù hợp và có cân đối với quy định tại bộ luật Hình sự.
“Thực tế, mức phạt 3 tỉ đồng đối với tổ chức và 1,5 tỉ đồng đối với cá nhân cũng chưa đủ sức răn đe, nên trong dự thảo, Ban soạn thảo đã đề nghị đưa thêm hình phạt bổ sung, trong đó có quy định tịch thu các khoản thu lời bất chính”, ông Dũng nói thêm.
Ông Dũng cũng cho hay, việc tịch thu các khoản thu lợi bất chính tương đối khó, nhưng Ban soạn thảo vẫn mạnh dạn đưa vào và sau này sẽ trình cách tính toán cụ thể để xử phạt.
“Theo thông lệ, các nước khi họ phát hiện ra các hành vi vi phạm hành chính và xác định được khoản thu lời bất chính thì sẽ phạt gấp 2- 3 lần. Tuy nhiên, cân nhắc tình hình pháp luật Việt Nam hiện nay, Ban soạn thảo chỉ đưa vào quy định tịch thu khoản thu lợi bất chính từ hành vi vi phạm”, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước lý giải.
Đề nghị kiểm tra giao dịch ngân hàng, các cuộc gọi viễn thông
Một đề xuất khác tại dự thảo luật Chứng khoán là bổ sung một số quyền của Uỷ ban Chứng khoán nhà nước, như yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu hoặc đến làm việc; yêu cầu các ngân hàng tại Việt Nam cung cấp thông tin liên quan tới giao dịch trên tài khoản của khách hàng; yêu cầu doanh nghiệp viễn thông cung cấp thông tin cuộc gọi (tên, địa chỉ, số máy, thời gian gọi) để xác minh, xử lý hành vi bị cấm.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình băn khoăn đề xuất trên “liệu có hợp pháp hay không”?
Trả lời câu hỏi này, ông Trần Văn Dũng giải thích, hiện nay pháp luật chưa cho phép Ủy ban Chứng khoán nhà nước các quyền này, song đây là bất cập trong quản lý thị trường chứng khoán hiện hành.
|
Theo ông Dũng, đề xuất này từng được thảo luận khi xây dựng luật Chứng khoán năm 2006 và sửa đổi vào năm 2010. “Quan điểm của Chính phủ là ủng hộ Ủy ban Chứng khoán nhà nước có vị trí, thẩm quyền như dự thảo trong đó có quyền tiếp cận dòng vốn ngân hàng, thông tin viễn thông… ”, ông Dũng nói và cho biết các thẩm quyền này cũng là các nguyên tắc của Tổ chức Chứng khoán quốc tế.
“Hiện nay, Ủy ban Chứng khoán nhà nước có nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra để xác định các vi phạm hành chính, các tội thao túng, nội gián, làm giá chứng khoán để xử phạt hành chính và chuyển cơ quan hình sự. Nếu như không có quyền này Ủy ban Chứng khoán nhà nước rất khó có thể thanh tra, điều tra được”, ông Dũng nói thêm, và cho biết việc kiểm tra thông tin cuộc gọi không phải là nghe lén mà chỉ yêu cầu các công ty viễn thông cung cấp để xác minh hành vi vi phạm.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho rằng, việc quy định cho phép Ủy ban Chứng khoán nhà nước yêu cầu cung cấp thông tin giao dịch ngân hàng, cuộc gọi viễn thông khiến cơ quan này mang “dáng dấp một cơ quan tố tụng”. “Những thẩm quyền này luật chỉ quy định một số cơ quan tố tụng làm chứ Uỷ ban Chứng khoán nhà nước thì không làm được”, ông Định nêu quan điểm.
Bình luận (0)