(TNO) Sáng nay 30.7, Sở Xây dựng Hà Nội thông tin cho báo chí về việc trồng thay thế cây xanh trên đường Nguyễn Chí Thanh. Theo đó, cây lát hoa được chọn để trồng thay thế cây mỡ.
Hàng cây mỡ trên đường Nguyễn Chí Thanh sẽ được thay thế bằng cây lát hoa - Ảnh: Lê Quân
|
Cụ thể, theo Sở Xây dựng, để xác định chủng loại cây thay thế, trồng mới phù hợp với đường Nguyễn Chí Thanh, sở đã cùng với các đơn vị liên quan tổ chức tọa đàm, lấy ý kiến các nhà khoa học. Đồng thời, qua thực tế kiểm tra một số loài cây được trồng ở Hà Nội, phân tích đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng, đa số các nhà khoa học đã phân tích tiêu chí lựa chọn như cảnh quan, bảo vệ môi trường, bóng mát… lựa ra được 5 loài cây: sấu, dầu rái, sao đen, hương vườn (giáng hương, sưa vườn, sưa Quảng Nam) và lát hoa.
Trên cơ sở đó, Sở Xây dựng đã xin ý kiến và được UBND TP.Hà Nội chấp thuận cho thay mới cây xanh trên đường Nguyễn Chí Thanh là cây lát hoa làm chủ đạo.
Các cây thay thế phải đạt tiêu chuẩn đường kính thân (đo ở độ cao 1,3m) là 15 - 18cm, chiều cao 6 - 8m, cây trồng mới phải đảm bảo là các cây đẹp, có khả năng sinh trưởng tốt.
Sở Xây dựng cho biết, việc thay thế cây mới dự kiến sẽ bắt đầu từ ngày 1.8 tới.
Các đơn vị thực hiện sẽ thay thế 247 cây mới theo nguyên tắc làm đâu gọn đấy, không để ảnh hưởng đến giao thông. Chí phí thay thế cây lát hoa mới trên đường Nguyễn Chí Thanh sẽ do công đoàn Công an TP.Hà Nội đóng góp. Tuy nhiên, số tiền cụ thể chưa được công bố.
Trước đó, trong tháng 3, TP.Hà Nội đã cho thực hiện thay thế toàn bộ gần 400 cây xanh trên đường Nguyễn Chí Thanh bằng cây vàng tâm khi thực hiện Đề án chặt hạ, thay thế hơn 6.700 cây xanh trên toàn địa bàn.
Việc chặt hạ, thay thế cây xanh trên đường Nguyễn Chí Thanh và nhiều tuyến phố khác vấp phải dư luận phản đối gay gắt nên TP.Hà Nội buộc phải tạm dừng thực hiện đề án này.
Nhiều nhà khoa học đã lên tiếng khẳng định, cây trồng mới trên đường Nguyễn Chí Thanh không phải cây vàng tâm mà là cây mỡ. Sau đó, theo kết luận thanh tra của TP.Hà Nội cũng thừa nhận cây trồng mới trên đường Nguyễn Chí Thanh là cây mỡ. Kết luận thanh tra của Hà Nội dẫn theo kết quả giám định của Viện Khoa học lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định đó là cây mỡ.
Liên quan đến việc triển khai Đề án chặt hạ thay thế cây xanh trên địa bàn, vừa qua, lãnh đạo TP.Hà Nội cũng đã tự nhận kiểm điểm trách nhiệm cá nhân và chỉ đạo kiểm điểm, kỷ luật, buộc thôi việc với một số lãnh đạo, cá nhân của Sở Xây dựng.
Trao đổi với phóng viên Thanh Niên Online, ông Nguyễn Tiến Hiệp, Giám đốc trung tâm bảo tồn thực vật nhận định, cây lát hoa trồng là loài có gỗ khá tốt, thân thẳng, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở Hà Nội. Thực tế, tại nhiều tuyến phố ở Hà Nội cũng đã trồng và cây này sinh trưởng khá tốt. Hà Nội lựa chọn trồng vào đầu tháng 8 với tiêu chuẩn cây đạt kích thước lớn như vậy là để đón mùa mưa sắp đến, lấy bóng mát nhanh.
“Tuy nhiên, cần phải lưu ý cách trồng sao cho đúng kỹ thuật, không thể để nguyên vỏ bọc bầu bằng chất liệu nilon, như vậy cây sẽ khó sinh trưởng tốt, ra rễ nhanh”, ông Hiệp lưu ý.
Bình luận (0)