Ngày 28.9, tại hội nghị toàn quốc về đổi mới công tác cán bộ và cơ chế tài chính y tế diễn ra ở Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, cho biết bệnh viện (BV) công sẽ đổi mới phương thức bổ nhiệm vị trí giám đốc (BV) theo hướng thuê giám đốc BV như một CEO (giám đốc điều hành), không quá chú trọng chuyên môn mà quan trọng là năng lực quản lý điều hành, quản trị BV.
Bộ Y tế đang xây dựng, lấy ý kiến cho dự thảo nghị định quy định cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập với việc đổi mới bộ máy quản lý đối với các cơ sở y tế tự chủ về tài chính.
Theo đó, cho phép BV thành lập hội đồng quản lý; tổng giám đốc và giám đốc điều hành hoặc giám đốc và các phó giám đốc và cho phép bổ nhiệm hoặc thuê giám đốc BV. Người được thuê làm giám đốc không là công chức, viên chức của đơn vị, hưởng lương theo hiệu quả hoạt động tại đơn vị.
Cũng tại hội nghị, Bộ Y tế cũng cho biết sẽ (lần đầu tiên) có quy định khống chế giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu trong các cơ sở y tế công lập và đưa ra các quy định chuẩn về khám chữa bệnh và cơ sở vật chất.
Theo đó, mỗi bác sĩ khám bệnh tối đa không quá 35 người bệnh/ngày làm việc; phòng điều trị tối đa không quá 4 giường bệnh và đảm bảo các yêu cầu về diện tích sàn/giường bệnh theo tiêu chuẩn xây dựng VN; kèm theo đó là đảm bảo nhân lực chăm sóc toàn diện và các thiết bị tối thiểu cho chăm sóc y tế và sinh hoạt. Mức giá giường nội trú từ 300.000 - 2,4 triệu đồng/ngày. Giá trần trong khám bệnh được áp dụng theo mức: tại Hà Nội và TP.HCM tối đa 200.000 đồng/lần; tại Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ tối đa 150.000 đồng/lần khám và các tỉnh thành còn lại giá tối đa 100.000 đồng/lần khám. Thực tế tại một số BV lớn, giá khám này từng áp dụng 300.000 - 600.000 đồng/lần.
Ngoài ra, lần đầu tiên có quy định khống chế số lượng giường dịch vụ. Theo đó, BV chỉ được sử dụng một phần cơ sở hạ tầng để tổ chức khám, chữa bệnh theo yêu cầu sau khi đã đảm bảo mỗi bác sĩ khám không quá 50 người/ngày (với bệnh nhân khám thông thường và bảo hiểm y tế); đã đảm bảo bệnh nhân bảo hiểmy tế không còn nằm ghép. Trường hợp đơn vị đã kê thêm giường bệnh chưa đáp ứng nhu cầu cho người bệnh bảo hiểm y tế, vẫn luôn có từ trên 10% số giường bệnh phải nằm ghép 2 bệnh nhân/giường bệnh thì đơn vị không được tổ chức các buồng bệnh theo yêu cầu tại các khoa điều trị hiện có.
Bình luận (0)