Sẽ xét tuyển tập trung!

09/05/2016 05:21 GMT+7

Đó là khẳng định của Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng Bộ GD-ĐT Mai Văn Trinh (ảnh) với phóng viên sau khi Báo Thanh Niên đăng bài phản ánh băn khoăn của một số trường ĐH về tính khả thi trước thông tin có thể xét tuyển chung trên toàn quốc.

Ông Mai Văn Trinh cho biết:
Sẽ xét tuyển tập trung !
       
Tổ chức xét tuyển tập trung đối với các trường ĐH sẽ là giải pháp giải quyết một cách căn bản những vướng mắc của năm 2015 và vấn đề thí sinh (TS) “ảo” cho các trường. Do 4 nguyện vọng của TS được xét đồng thời khi xét tuyển tập trung thay cho việc 2 nguyện vọng được xét tuyển ở mỗi trường nên cơ hội trúng tuyển của TS sẽ được nâng cao. Mặt khác, phương thức xét tuyển này đảm bảo công tác tuyển sinh công bằng, minh bạch; đảm bảo chất lượng tuyển sinh dựa trên nguồn lực thực tế của trường.
Không vi phạm quyền tự chủ tuyển sinh
Năm ngoái, việc cả nước sẽ dùng chung một phần mềm xét tuyển đã được đề cập nhưng không triển khai được do có ý kiến cho rằng làm như vậy là vi phạm quyền tự chủ của các trường. Năm nay vấn đề này đã được giải quyết thế nào, thưa ông?
Các trường thực hiện quyền tự chủ tuyển sinh cần xây dựng đề án tự chủ tuyển sinh, trường được chủ động lựa chọn phương thức tuyển sinh. Từ năm 2014 việc tự chủ tuyển sinh của các trường ĐH đã được thực hiện. Tùy vào nguồn lực của các trường mà mức độ tự chủ tuyển sinh có khác nhau, trong đó có trường tự chủ hoàn toàn công tác tuyển sinh bằng hình thức thi và tuyển sinh mới, như trường hợp của ĐH Quốc gia Hà Nội. Nhiều trường ĐH khác thực hiện quyền tự chủ tuyển sinh bằng việc xây dựng và thực hiện đề án tuyển sinh riêng.
Nhưng vẫn còn nhiều trường ĐH chưa có đủ điều kiện thực hiện tự chủ hoàn toàn công tác tuyển sinh. Vì thế, để hỗ trợ các trường, Bộ GD-ĐT đã tổ chức kỳ thi THPT quốc gia để các trường sử dụng kết quả tuyển sinh. Tuy nhiên, việc sử dụng kết quả thi để xét tuyển phải kèm theo một số ràng buộc được quy định trong quy chế tuyển sinh nhằm đảm bảo cho công tác tuyển sinh an toàn, minh bạch và đảm bảo chất lượng. Khi tổ chức xét tuyển tập trung, các trường phải thống nhất một số điểm trong quy trình xét tuyển để đảm bảo phần mềm xét tuyển có thể thực hiện được. Còn các công đoạn chính của tuyển sinh như quy định cụ thể về phương thức xét tuyển, nhận đăng ký xét tuyển (ĐKXT)... vẫn được các trường thực hiện bình thường. Chỉ sau khi có dữ liệu ĐKXT của TS, các trường mới chuyển dữ liệu về Bộ để tổ chức xét tuyển chung.
Như vậy dùng phần mềm xét tuyển chung là một trong những nội dung nằm trong các quy định ràng buộc mà các trường ĐH dùng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển phải tuân thủ?
Đúng vậy. Nhưng như trên tôi đã nói, việc các trường ĐH sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển dựa trên phần mềm xét tuyển chung chỉ là giải pháp kỹ thuật hỗ trợ công tác tuyển sinh tốt hơn mà không vi phạm quyền tự chủ tuyển sinh của các trường. Bộ hỗ trợ các trường thực hiện xét tuyển chung sẽ hiệu quả hơn việc các trường hay nhóm trường xét tuyển riêng rẽ. Đây chỉ là giải pháp kỹ thuật chứ không phải Bộ ôm việc làm thay các trường, hay độc quyền khai thác dữ liệu.
Để xét tuyển chung, Bộ đã chủ động xây dựng phần mềm xét tuyển chung và đã chạy thử với dữ liệu giả định. Sau khi có kết quả ĐKXT năm 2015, tổ kỹ thuật đã chạy thử với số liệu thực tế. Kết quả cho thấy việc xét tuyển chung là hoàn toàn khả thi về mặt kỹ thuật.
Với phương thức xét tuyển chung, phần mềm sẽ thực hiện xét tuyển trên một hệ cơ sở dữ liệu ĐKXT duy nhất đối với tất cả các TS đã ĐKXT. Cơ sở dữ liệu này được quản trị thống nhất, được bảo mật ở mức độ cao nhất, đảm bảo tính chính xác. Các trường không phải sử dụng phần mềm riêng để xét tuyển riêng cho trường mình từ hệ cơ sở dữ liệu chung này.
Việc dùng phần mềm xét tuyển chung chỉ mang ý nghĩa về mặt kỹ thuật, không ảnh hưởng đến quyền lợi của TS. Ngược lại, xét tuyển chung còn đảm bảo hơn cho TS có thể trúng tuyển vào ngành theo nguyện vọng phù hợp nhất với kết quả của mình.

Cả nước sẽ xét tuyển chung ?

Theo một nguồn tin của PV Thanh Niên, Bộ GD-ĐT đang xem xét đề nghị các trường ĐH, CĐ trong cả nước dùng chung một phần mềm xét tuyển theo hướng: Bộ gom dữ liệu các trường để thực hiện xét tuyển chung.

Sẽ không tồn tại việc xét tuyển theo nhóm
Nếu cả nước xét tuyển tập trung thì việc xét tuyển theo nhóm trường ĐH (chẳng hạn nhóm GX mà Trường ĐH Bách khoa Hà Nội chủ trì) sẽ phải giải tán?
Việc xét tuyển theo nhóm trường là một trong những giải pháp nhằm giúp các trường khắc phục tình trạng TS “ảo”. Phần mềm xét tuyển chung theo nhóm trường và xét tuyển chung cho cả nước đều được xây dựng dựa trên cùng một thuật toán.
Xét tuyển tập trung thực chất là xét tuyển cho một nhóm lớn hơn nhóm GX. Phương thức này hợp lý, bình đẳng và hiệu quả hơn so với việc các nhóm nhỏ và các trường xét tuyển riêng rẽ như trước đây. Vì vậy, không cần thiết phải tồn tại các nhóm nhỏ như GX và các nhóm khác nữa, tất cả các nhóm này sẽ nhập vào cùng một “nhóm” chung toàn quốc.

Siết quy trình xét tuyển vào lớp 10 qua học bạ THCS

Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết do kết hợp xét học bạ cùng với thi để tuyển sinh vào lớp 10 nên năm nay, khâu kiểm soát điểm học bạ ở cấp THCS sẽ được tăng cường kiểm tra kỹ để đảm bảo phản ánh đúng thực chất.

Bộ đảm nhiệm hạ tầng công nghệ thông tin
Nhưng vẫn có những băn khoăn hạ tầng công nghệ thông tin của các trường ĐH chưa đủ để chạy phần mềm xét tuyển chung thì Bộ sẽ tính sao?
Với phương án xét tuyển chung thì phần mềm và hạ tầng công nghệ thông tin đảm bảo cho sự hoạt động thông suốt, ổn định của hệ thống là do Bộ đảm nhiệm. Bộ đã cùng với nhà cung cấp dịch vụ tính toán các giải pháp, đồng thời yêu cầu các sở GD-ĐT, các trường THPT huy động tối đa các phòng máy tính để giúp TS ĐKXT thuận lợi. Bằng cách này, kết quả ĐKXT của TS sẽ được phân tải và thông qua hệ thống phần mềm để hoàn thiện cơ sở dữ liệu xét tuyển chung.
Kết quả ĐKXT của TS, thông tin tuyển sinh các trường (ngành/nhóm ngành, chỉ tiêu, các tiêu chí xét tuyển...) cùng toàn bộ kết quả thi của TS đã được quản trị tập trung tại một cơ sở dữ liệu duy nhất. Sau khi đã hoàn thiện cơ sở dữ liệu xét tuyển, công tác xét tuyển được thực hiện tập trung ở Bộ nhờ hệ thống phần mềm, không đòi hỏi gì thêm về hạ tầng công nghệ thông tin ở các trường. Sau khi có kết quả xét tuyển, TS trúng tuyển vào từng trường sẽ được phần mềm xác định, các trường có thể chủ động tải kết quả xét tuyển về từ hệ thống, giống như việc tải dữ liệu ĐKXT về để xét tuyển như cách xét tuyển riêng rẽ trước đây (nhưng dung lượng tải sẽ nhỏ hơn vì chỉ gồm các TS trúng tuyển). Với phương thức này, các trường không phải lo lắng về phần mềm xét tuyển của trường mình.
Bộ có đảm bảo sẽ không có tình trạng nghẽn mạng ở những giờ cuối cùng của hạn ĐKXT không? Nếu vẫn có xác suất dù nhỏ nguy cơ này thì Bộ có chuẩn bị giải pháp xử lý nhằm đảm bảo quyền lợi cho TS?
Năm nay Bộ chủ động tính toán và chuẩn bị kỹ các điều kiện về hạ tầng cần thiết đáp ứng nhu cầu ĐKXT trực tuyến của TS cũng như các hoạt động tuyển sinh của các trường để giảm tối đa tình trạng nghẽn mạng.
Mặt khác, theo quy chế tuyển sinh, TS còn có thể nộp ĐKXT qua đường bưu điện. Trong tình huống xấu, nếu TS không thể ĐKXT trực tuyến, TS có thể ĐKXT theo các phương thức khác theo quy định của trường. Để tránh rủi ro cho TS, dự kiến hệ thống ĐKXT trực tuyến sẽ đóng trước một ngày để những TS chưa đăng ký được có thời gian để đăng ký theo các phương thức còn lại. Bằng các giải pháp này sẽ đảm bảo không để xảy ra tình trạng có TS không thể ĐKXT được.
Những việc cần chuẩn bị khi xét tuyển chung
Bộ chuẩn bị ban hành các văn bản hướng dẫn về công tác xét tuyển tập trung để chỉ đạo các trường thống nhất triển khai; Tài liệu hướng dẫn TS về phương thức ĐKXT (thời gian, hình thức, mẫu phiếu ĐKXT và cách điền thông tin vào phiếu đăng ký); Hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung về kết quả thi, chế độ ưu tiên của TS; Hệ thống quản lý tập trung nguyện vọng ĐKXT của TS trên toàn quốc.
Bộ đã làm việc với một số công ty phần mềm mạnh để xây dựng phần mềm xét tuyển tập trung. Đồng thời mời các chuyên gia về công nghệ thông tin, cán bộ nghiệp vụ tuyển sinh, lãnh đạo các trường ĐH để kiểm thử, đánh giá chọn phần mềm đáp ứng tốt nhất yêu cầu về mặt kỹ thuật và các quy định.
Các trường ĐH cần thống nhất thực hiện một số quy định trong văn bản hướng dẫn của Bộ về công tác xét tuyển tập trung. Đồng thời chuẩn bị, công bố công khai và báo cáo Bộ các thông tin: xét tuyển chi tiết đến ngành hoặc nhóm ngành, tổ hợp môn xét tuyển, các tiêu chí phụ để xét các TS có cùng mức điểm xét tuyển...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.