Không thể đấu thầu quốc tế vì quá gấp
Nước chủ nhà Việt Nam quyết định tổ chức 40 môn, trong đó có nhiều môn Olympic nên công tác tổ chức phải đáp ứng được yêu cầu cao của các liên đoàn thể thao quốc tế. Tuy nhiên đến thời điểm SEA Games 31 đã khá cận kề, việc mua sắm trang thiết bị theo tiêu chuẩn của thế giới, đang bị ách tắc bởi nhiều lý do. Trong đó lý do quan trọng nhất là kinh phí tổ chức gần đây mới được cấp những khoản đầu tiên (hơn 300 tỉ đồng) nên việc tiến hành đấu thầu bị chậm.
Muốn nội dung đấu kiếm được công bằng khi thi đấu, cần có hệ thống video trọng tài |
NHÂN VĂN |
Khi chưa được cấp vốn, không bộ môn nào dám đặt mua trang thiết bị phục vụ thi đấu, nhưng khi được cấp vốn thì buộc phải đấu thầu nếu khoản mua sắm có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên. Đặc biệt, có môn phải đấu thầu quốc tế vì không một doanh nghiệp nào trong nước kinh doanh mặt hàng mà môn đó muốn mua. Ví dụ như đấu kiếm cần hệ thống video trọng tài (như VAR ở bóng đá) nhưng vì Việt Nam không có nên phải đặt mua ở nước ngoài. Hệ thống này khá đắt đỏ, gồm máy tính, máy quay, các thiết bị kết nối với đèn trọng tài. Liên đoàn Đấu kiếm Việt Nam và bộ môn đấu kiếm đang rất lo lắng và bối rối vì thông thường, thời gian đấu thầu quốc tế cần khoảng 1 - 2 tháng. Trong khi SEA Games 31 khởi tranh ngày 12.5 nên không thể kịp, đặc biệt ở bối cảnh dịch bệnh phức tạp như hiện tại.
Một đại diện có trách nhiệm của Liên đoàn Đấu kiếm Việt Nam cho hay: “Chúng tôi rất sốt ruột nhưng cũng không biết làm cách nào. Nếu mua thẳng không qua đấu thầu thì vi phạm quy định của nhà nước và luật Đấu thầu. Không ai cho phép. Đành phải đợi Tổng cục TDTT đưa ra hướng chỉ đạo và cách giải quyết”. Một số môn khác cũng rơi vào tình trạng tương tự. Công việc mua sắm trang thiết bị đang phải dừng lại, chờ BTC SEA Games có ý kiến.
Vẫn đang khắc khoải chờ tiền
Cũng xin được nhắc lại, kinh phí phục vụ công tác tổ chức SEA Games 31 vào khoảng hơn 700 tỉ đồng, hiện còn hơn 400 tỉ đồng vẫn đang chờ cấp, dẫn đến sự chậm tiến độ của một loạt đầu việc quan trọng. Quy trình giải ngân tiền khá phức tạp vì phải qua nhiều khâu, phải nhận được sự đồng ý của nhiều cơ quan. Tổng cục TDTT làm đề xuất lên Bộ VH-TT-DL và bộ này trình sang Bộ Tài chính. Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ phê duyệt. Điều đáng lo nữa là ở khoản hơn 300 tỉ đồng đã được cấp đầu tháng 1 vừa qua (sau gần 1 năm chờ đợi), ngành thể thao lại đang vướng một số thủ tục về giải ngân và cần sự tháo gỡ của các cấp có thẩm quyền. Cũng chính vì khó khăn về kinh phí nên một số công trình theo kế hoạch đáng lẽ phải được xây dựng lại như trường bắn súng quốc gia (được đưa vào sử dụng từ năm 2003 phục vụ SEA Games 22, đã xuống cấp rất nghiêm trọng) nhưng Bộ VH-TT-DL chỉ cải tạo và nâng cấp, làm sao đủ tiêu chuẩn Đông Nam Á, đáp ứng được việc tập luyện - thi đấu tại SEA Games 31.
Trong 2 ngày 18, 19.3, Việt Nam sẽ tổ chức hội nghị trưởng đoàn các nước dự SEA Games 31. Các đại biểu sẽ được BTC dự kiến đưa đi tham quan khảo sát các công trình sau: Sân Mỹ Đình (nơi diễn ra khai mạc đại hội, điền kinh, bóng đá nam); Khu liên hợp thể thao dưới nước (tổ chức môn bơi, nhảy cầu, lặn); Trung tâm huấn luyện thể thao Hà Nội (tổ chức bắn súng, bắn cung); Các khách sạn tại Hà Nội; Cung điền kinh trong nhà (bế mạc, đấu kiếm); Nhà thi đấu Hoài Đức (kurash, judo); Nhà thi đấu Đan Phượng (jujitsu); Nhà thi đấu Cầu Giấy (wushu), Cung thể thao Quần Ngựa (TDDC, TDNT, erobic); Nhà thi đấu Hoàng Mai (cầu mây); Nhà thi đấu Tây Hồ (teakwondo); Nhà thi đấu Hà Đông (billiard-snooker); Tham quan khảo sát các địa điểm thi đấu tại Trường ĐH TDTT Bắc Ninh (quyền anh, bóng ném, kick boxing); Nhà thi đấu quần vợt Hanaka; Các khách sạn tại Bắc Ninh; Tham quan khảo sát các địa điểm thi đấu tại Quảng Ninh (cờ, bóng chuyền trong nhà và bãi biển, bóng đá nữ, bóng ném bãi biển). Trong số các công trình trên đây vẫn còn một số nơi chậm tiến độ sửa chữa vì ảnh hưởng của Covid-19 và tiền rót xuống vẫn chậm. Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Hoàng Đạo Cương chỉ đạo quyết liệt, phải đẩy mạnh tiến độ thi công, các hạng mục chính phải được hoàn thiện trước ngày 15.3.
Đến thời điểm hiện tại, hầu hết các môn đã xác định xong địa điểm thi đấu, chỉ có bóng đá nam đại hội còn đang chờ ý kiến của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và HLV Park Hang-seo về việc đội U.23+3 Việt Nam thi đấu ở sân nào. Thầy Park vẫn đang là F0 nên chưa đích thân đi kiểm tra cơ sở vật chất tại sân Việt Trì (Phú Thọ) và sân Thiên Trường (Nam Định). BTC SEA Games muốn tạo điều kiện tối đa cho đội chủ nhà nên cho ông Park toàn quyền quyết định. Cũng vì đội chưa đưa ra quan điểm rõ ràng chọn sân nào nên BTC các sân đang có phần bị động.
Bình luận (0)