Phán quyết của Tòa án Trọng tài Thể thao (CAS) hôm 30.4 đồng nghĩa với việc những nữ VĐV có hàm lượng testosterone cao sẽ phải điều trị để giảm hàm lượng này xuống mức phổ biến của nữ giới nếu như họ muốn tranh tài ở một số nội dung dành cho nữ. Phán quyết này đã gây một số phản ứng theo cảm tính tiếp sau một cuộc chiến pháp lý căng thẳng về những vấn đề liên quan đến giới tính ngày càng phức tạp, có nguy cơ gây hậu quả sâu rộng đối với tương lai của các môn thể thao dành cho phụ nữ.
Semenya được cho là luôn có lợi thế hơn những VĐV nữ bình thường khác AFP
|
Trong quyết định của mình, các thẩm phán của CAS bác bỏ đơn kháng án của Semenya chống lại những biện pháp mà IAAF áp đặt để buộc các VĐV bị hội chứng “hyperandrogenic” (nữ giới có hàm lượng hormone nam cao quá mức) - hoặc những người bị “rối loạn phát triển giới tính” (DSD) - phải chủ động giảm hàm lượng testosterone của họ. Các thẩm phán nói rằng mặc dù những quy định này “có sự phân biệt đối xử"…, thế nhưng sự phân biệt đối xử này là biện pháp cần thiết, hợp lý và tương ứng để đạt được mục tiêu của IAAF trong việc duy trì sự cạnh tranh công bằng giữa các nữ VĐV trong một số giải đấu dành riêng cho nữ.
Phán quyết của CAS đã gia tăng những tranh cãi xung quanh phân định giới tính nữ trong điền kinh AFP
|
AFP trích dẫn thông báo của Semenya do các luật sư của cô đưa ra, trong đó nữ VĐV 2 lần vô địch Olympic tuyên bố sẽ kháng án. Trong khi đó, Nam Phi trước đó từng cáo buộc IAAF tìm cách xúc phạm cơ thể phụ nữ, nói rằng họ “thất vọng” với phán quyết của CAS. Trong khi đó, IAAF cho biết tổ chức này “biết ơn” với phán quyết của CAS và cho biết những quy định DSD - được thông qua lần đầu tiên hồi năm ngoái nhưng bị đình chỉ do nổ ra cuộc chiến pháp lý - sẽ có hiệu lực từ ngày 8.5.
IAAF vẫn giữ vững quan điểm cho rằng những quy định DSD là cần thiết để đảm bảo mọi nữ VĐV điền kinh có thể nhìn thấy “đường dẫn đến thành công”. Tổ chức này nhấn mạnh rằng những VĐV điền kinh bị DSD có hàm lượng testosterone của nam sẽ có lợi thế hơn, do họ sẽ có cùng mức tăng trưởng về kích thước và sức mạnh của xương và cơ bắp như nam giới, cũng như có hàm lượng haemoglobin (huyết sắc tố) tăng mạnh như nam giới khi qua tuổi dậy thì.
Mặc dù CAS cho rằng chưa có đủ bằng chứng để bác bỏ những quy định của IAAF ở thời điểm này, nhưng tòa án “đã bày tỏ một số lo ngại thật sự khi những quy định về DSD được áp dụng vào thực tế trong tương lai. Một số chuyên gia lập luận rằng thành tựu xuất sắc trong thể thao là kết quả của sự tập luyện và quyết tâm, và cả của di truyền học, thế nên chuyện cấm một người tham gia thi đấu chỉ vì yếu tố di truyền thì không có cơ sở khoa học. Ngoài ra, trong lần can thiệp hiếm hoi vào thế giới thể thao, Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (UNHRC) đã thông qua một nghị quyết hồi tháng 3 gọi những quy định của IAAF là “không cần thiết, nhục nhã và tai hại”.
Francine Niyonsaba, một trong số những VĐV nữ rơi vào trường hợp "nữ mạnh như nam" CHỤP MÀN HÌNH
|
Hàm lượng testosterone của Semenya không được công bố, nhưng cô không chắc là VĐV điền kinh duy nhất bị tác động bởi những quy định buộc các nữ VĐV chạy tốc độ trong một số nội dung phải giới hạn hàm lượng testosterone trong máu ở mức 5 nmol/L (nanomoles trên lít). Hai VĐV điền kinh về sau Semenya ở cự ly 800m tại Olympic 2016 là Francine Niyonsaba (người Burundi) và Margaret Wambui (Kenya) cũng đã phải đối mặt với những câu hỏi về nồng độ testosterone của họ.
Bình luận (0)