Sếp chần chừ tăng lương, Gen Z làm 'cho tròn bổn phận'?

22/07/2024 08:15 GMT+7

Có ý kiến cho rằng Gen Z là một thế hệ trẻ tài năng, sáng tạo, dũng cảm, đột phá. Nếu cứ để việc trả lương chần chừ của công ty tiếp diễn, họ dễ rơi vào trạng thái làm việc cầm chừng, làm cho tròn bổn phận.

Quiet paying là một thuật ngữ chỉ tình trạng công ty chần chừ tăng lương cho nhân viên mặc dù luôn kỳ vọng nhân viên làm việc nhiều hơn khối lượng công việc thực tế. 

Trên các diễn đàn hiện nay, nhiều người bình luận, chia sẻ rằng họ bức xúc, mệt mỏi vì phải đảm nhận quá nhiều công việc và trong đó có rất nhiều đầu việc không được nhắc đến trong hợp đồng lao động trước đó. 

Chúng tôi thực hiện một khảo sát với 10 người lao động trong độ tuổi dưới 30, phần lớn những người thuộc Gen Z - thế hệ đã gia nhập thị trường lao động dưới 10 năm qua (Generation Z, thế hệ trẻ được sinh ra từ khoảng năm 1997 tới 2012; cũng có nhiều người cho rằng gen Z sinh từ năm 1995 đến 2010) để hỏi rằng hiện nay khối lượng công việc của họ hiện nay có phải kiêm nhiệm nhiều hay không, thì tất cả đều khẳng định là đã hoặc đang rơi vào tình trạng này. 

Nguyên nhân có nhiều, một phần vì họ còn trẻ, hiệu suất làm việc, sức sáng tạo cao, chưa vướng bận quá nhiều chuyện gia đình nên có nhiều thời gian làm việc nhiều hơn. Ngoài ra, còn vì tình hình kinh tế khó khăn chung nên các công ty muốn tối ưu tối đa nhân sự hiện tại và điều này dẫn đến việc có thời điểm, sức lao động của nhân viên bị vắt kiệt.

Bức xúc nhưng không dám nghỉ việc

Đối mặt với tình trạng cắt giảm nhân sự chưa có dấu hiệu giảm xuống như hiện nay, nhiều người lao động không dám nghỉ việc dù phải làm việc rất nhiều và không được tăng lương.

Chị Gái (24 tuổi), nhân viên content tại một công ty bánh kẹo ở TP.HCM, chia sẻ rằng mình thường xuyên phải làm thêm các đầu việc khác như chụp hình, quay, dựng video, liên hệ khách hàng… Mặc dù theo thỏa thuận trước đó, công việc của chị thuần túy là viết và xây dựng kế hoạch viết bài quảng cáo.

“Bản thân tôi cũng không muốn làm nhiều như vậy đâu nhưng tình thế dường như bắt buộc. Công ty tôi có quy mô khá nhỏ nên nhân sự cũng rất hạn chế. Vài tháng trở lại đây, công ty mở nhiều dự án mới nên khối lượng công việc cũng tăng theo. Do đó, tôi thường xuyên tăng ca, làm những công việc không nằm trong phận sự của mình mà không được tăng lương”, chị Gái chia sẻ.

Chị Gái nói rằng chị không dám phản ánh với sếp vì sợ bị sa thải: “Hầu hết mọi người trong công ty đều phải làm thêm việc, không được tăng lương nhưng không ai lên tiếng. Nếu tôi đứng ra phản ánh, tôi sợ rằng mình sẽ gặp rủi ro, không bị sa thải thì cũng áp lực mà chủ động thôi việc. Tình trạng này hiện nay phổ biến lắm, thuê một người mà xử lý được nhiều việc, phía công ty là người có lợi nhất”.

Không riêng chị Gái, nhiều người lao động cho rằng đây chính là một cách mà các công ty dùng để “tiết kiệm” chi phí tuyển dụng nhân sự. Trong lúc nền kinh tế có nhiều biến động, các công ty cũng trở nên thận trọng hơn trong việc chi tiêu, đầu tư, bao gồm cả việc tăng lương cho nhân viên. Từ đó, họ tìm cách tối ưu hóa chi phí tuyển dụng nhân sự.

Chị Gái bộc bạch rằng chị sẵn sàng làm thêm việc, cùng công ty gánh vác nếu lãnh đạo có đãi ngộ, đưa ra mức lương và sự công nhận đúng đắn, phù hợp. Còn nếu cứ để xảy ra tình trạng thế này, nhân viên chắc chắn sẽ không thể gắn bó lâu dài.

Môi trường làm việc thiếu sự đối thoại

Có nhiều trải nghiệm tương tự, anh Long (23 tuổi, nhân viên của một công ty nước giải khát ở TP.HCM) cho hay, khi rơi vào tình huống này, anh cũng lưỡng lự không biết nên phản ứng hay chịu đựng cho qua. 

“Có khoảng thời gian, tôi phải gánh vác gấp đôi công việc vì có đồng nghiệp nghỉ việc. Vốn tưởng làm nhiều sẽ được sếp cân nhắc trong đợt đánh giá lương của công ty nhưng hóa ra lại không. Lúc đó tôi vừa hụt hẫng vừa bức xúc vì cày cuốc bạt mạng mà lương bổng vẫn vậy và cảm thấy nỗ lực không được công nhận”, anh Long bày tỏ.

Theo đánh giá của anh Long, môi trường làm việc thiếu sự đối thoại giữa sếp và nhân viên cũng là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng “quiet paying”.

Nhiều Gen Z bức xúc vì phải "ôm sô" quá nhiều việc trong khi công ty chần chừ không tăng lương

Nhiều Gen Z bức xúc vì phải "ôm sô" quá nhiều việc trong khi công ty chần chừ không tăng lương

NGUỒN ẢNH: PIXABAY

Hiện nay anh Long đang tìm công việc và môi trường làm việc mới tốt hơn. Nơi mà văn hóa đối thoại giữa sếp và nhân viên được xem trọng. Đồng thời trả lương xứng đáng cho những nỗ lực, đóng góp của anh.

Anh Long nói: “Khi không có sự giao tiếp cởi mở giữa sếp và nhân viên, cả hai cũng sẽ khó lòng thấu hiểu được tình hình tài chính cũng như mong muốn, nguyện vọng của nhau. Phía nhân viên phải mạnh dạn bày tỏ, còn lãnh đạo thì cần có sự ghi nhận và phản hồi”.

Anh Long cho hay, điều này không chỉ giúp tăng cường sự thấu hiểu lẫn nhau mà còn giúp nhân viên cảm thấy mình được lắng nghe, công nhận, từ đó nâng cao hiệu suất làm việc và giữ chân nhân tài.

Một Gen Z khác, là anh Minh An (24 tuổi) chia sẻ: “Với tôi, mức lương là sự đền đáp xứng đáng nhất cho công sức, sự nỗ lực của nhân viên. Do đó, tôi luôn ưu tiên trao đổi với sếp để thương lượng, bày tỏ quan điểm của mình. Nếu đã chia sẻ thẳng thắn mà sếp không cân nhắc, anh chắc chắn sẽ tìm công việc mới. Bởi vì xét cho cùng, lương chính là động lực to lớn để người lao động phấn đấu”, anh An nói.

Lãnh đạo cần cam kết “vượt khó”, đồng hành

Đối mặt với thực tế “quiet paying”, nhiều nhân sự khuyên rằng người đi làm, nhất là Gen Z cần phải lên tiếng yêu cầu sự công nhận xứng đáng cho những đóng góp của mình. Hãy sẵn sàng đàm phán và tìm kiếm cho mình một công việc mới đảm bảo trách nhiệm và đãi ngộ đi đôi.

Đặc biệt với thế hệ Gen Z càng phải đòi sự công bằng vì Gen Z là một thế hệ trẻ tài năng, sáng tạo, dũng cảm, đột phá. Nếu cứ để việc trả lương chần chừ của công ty tiếp diễn, họ dễ rơi vào trạng thái làm việc cầm chừng, làm cho tròn bổn phận - “quiet quitting". Mà như thế thì rất uổng phí một thế hệ tài năng như Gen Z.

Quiet paying sẽ gây nhiều bất lợi cho cả 2 phía?

Chị Minh, quản lý nhân sự tại một công ty tổ chức sự kiện (Q.Gò Vấp, TP.HCM) nhận xét, quiet paying sẽ gây nhiều bất lợi cho cả người sử dụng lao động và người lao động. Về phía các doanh nghiệp, quiet paying sẽ tạo nên một văn hóa công ty độc hại, khiến nhân viên cảm thấy mệt mỏi, áp lực khi đi làm. Đây chắc chắn không phải là môi trường lý tưởng để họ phát huy tiềm năng, mang lại giá trị cao cho tập thể.

“Quiet paying có thể sẽ mang lại nhiều lợi ích ở thời gian đầu: tiết kiệm chi phí, giảm thiểu số lượng nhân sự… nhưng lâu dài sẽ vắt kiệt sức khỏe tinh thần của nhân viên. Thậm chí ảnh hưởng đến danh tiếng của chính công ty đó”, chị Minh khẳng định.

Chị Minh khuyên người lao động hãy hiểu đúng và làm đúng vai trò, trách nhiệm của mình để tránh nhầm lẫn điều này với sự lười biếng, hay than thở. 

“Thời buổi khó khăn, công ty cũng rất cần sự đồng hành, thấu cảm của các bạn nhân viên. Không nên quá khắt khe chuyện làm bao nhiêu là đủ hay cái này không phải bổn phận của tôi. Đặt trường hợp sếp có giao thêm một số đầu việc khác (có lý do hợp lý, số lượng vừa phải) thì có thể cân nhắc để thử sức. Đây cũng là cơ hội để bạn chứng minh năng lực của mình. Tất nhiên, công ty cần cam kết thời điểm vượt qua khó khăn và những đãi ngộ, mức lương sau đó như là cách trân trọng sự nỗ lực của người lao động", chị Minh nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.