Sếp ngân hàng cho vay trái quy định làm 'bốc hơi' cả trăm tỉ đồng

02/03/2023 10:03 GMT+7

Nhóm cựu cán bộ BIDV bị xét xử với cáo buộc cho vay trái quy định, khiến dư nợ không thu hồi được lên tới cả trăm tỉ đồng.

Ngày 2.3, TAND TP.Hà Nội mở phiên tòa xét xử vụ án vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, xảy ra tại Ngân hàng thương mại CP Đầu tư và phát triển Việt Nam - BIDV chi nhánh Thành Đô và một số đơn vị liên quan.

7 bị cáo cùng bị truy tố về tội danh trên, trong đó 5 người thuộc BIDV chi nhánh Thành Đô, gồm ông Đỗ Quốc Hùng (cựu giám đốc), bà Lưu Thị Bích Thủy (cựu phó giám đốc), ông Phạm Anh Tài (cựu trưởng phòng tín dụng), Nguyễn Văn Hà (cựu phó trưởng phòng tín dụng) và Lại Minh Ngọc (cựu trưởng phòng thẩm định).

2 bị cáo còn lại thuộc BIDV chi nhánh Tây Nam Quảng Ninh, gồm ông Lê Vũ Thanh (cựu giám đốc) và Đỗ Xuân Khoan (cựu phó trưởng phòng tín dụng).

Tại phần thủ tục, do vắng luật sư của một bị cáo, HĐXX quyết định hoãn phiên tòa, sẽ mở lại vào ngày 13.3 tới.

Sếp ngân hàng cho vay trái quy định khiến 'bốc hơi' cả trăm tỉ đồng - Ảnh 1.

Các bị cáo tại tòa sáng 2.3

TUYẾN PHAN

Theo cáo trạng, Công ty TNHH đầu tư và phát triển Kenmark (sau đây viết tắt là Công ty Kenmark) là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, được thành lập tại Hải Dương để thực hiện khu công nghiệp Việt Hòa - Kenmark, vốn đầu tư gần 1.600 tỉ đồng.

Để có tiền thực hiện dự án, tháng 2.2008, Công ty Kenmark ký hợp đồng tín dụng vay 67,6 triệu USD của 3 ngân hàng, gồm: SHB chi nhánh Quảng Ninh, HBB chi nhánh Bắc Ninh và một chi nhánh BIDV do BIDV chi nhánh Thành Đô làm đầu mối.

Quá trình vay, Công ty Kenmark gửi giấy đề nghị vay đến BIDV chi nhánh Thành Đô. Ông Đỗ Quốc Hùng ký tờ trình gửi Tổng giám đốc BIDV, đề xuất tiếp nhận hồ sơ vay vốn và để BIDV Thành Đô là đầu mối thẩm định cho vay tại dự án.

Tháng 12.2007, ông Hùng ký quyết định thành lập tổ thẩm định chung các ngân hàng đồng tài trợ dự án gồm 13 thành viên.

Hồ sơ thẩm định vay cho thấy Công ty Kenmark không có đầy đủ tài liệu theo luật Xây dựng, dự án Việt Hòa - Kenmark không khả thi và không hiệu quả, năng lực tài chính không đảm bảo trả nợ trong thời hạn cam kết…

Dù vậy, tổ thẩm định vẫn có báo cáo kết quả thẩm định đánh giá Công ty Kenmark đáp ứng đủ điều kiện cho vay, đề xuất cho vay tối đa hơn 67 triệu USD.

Sau khi được Tổng giám đốc BIDV phê duyệt cho vay, ông Đỗ Quốc Hùng cùng ông Nguyễn Văn Thắng (khi đó là Giám đốc SHB Quảng Ninh) và Hoàng Thu Huyền (Giám đốc HBB Bắc Ninh) ký hợp đồng tín dụng cho Công ty Kenmark vay hơn 67 triệu USD.

Trong đó, BIDV Thành Đô cho vay 39,1 triệu USD (57,8%), SHB chi nhánh Quảng Ninh cho vay 18,5 triệu USD (27,4%) và HBB chi nhánh Bắc Ninh cho vay 10 triệu USD (14,8%).

Từ tháng 2.2008 đến tháng 5.2010, các ngân hàng đã giải ngân cho Công ty Kenmark hơn 52 triệu USD và hơn 57 tỉ đồng.

Đến đầu tháng 6.2010, Công ty Kenmark thông báo tạm dừng hoạt động, người đại diện pháp luật xuất cảnh khỏi Việt Nam.

Cơ quan tố tụng xác định việc các ngân hàng giải ngân trái yêu cầu về giải ngân 2 bước theo chỉ đạo của BIDV. Công ty Kenmark mới cơ bản hoàn thành đầu tư phần hạ tầng kỹ thuật của 13/27 nhà xưởng, đã được giải ngân khi dự án không đảm bảo hiệu quả và khả năng thu hồi vốn vay.

Sau khi đã thu nợ và bán đấu giá các tài sản bảo đảm, tính đến thời điểm khởi tố, dư nợ không có khả năng thu hồi của Công ty Kenmark tại 3 ngân hàng là 15,5 triệu USD (tương đương hơn 360 tỉ đồng). Riêng tại các chi nhánh BIDV, dư nợ không thu hồi được là 7,8 triệu USD (tương đương hơn 180 tỉ đồng).

Quá trình điều tra, ông Nguyễn Văn Thắng (cựu Giám đốc SHB Quảng Ninh) đại diện các cán bộ thuộc SHB và HBB nộp gần 140 tỉ đồng - khắc phục hết số tiền dư nợ của Công ty Kenmark tại SHB. Cùng với đó, 2 cán bộ khác thuộc BIDV Đông Hà Nội cũng nộp gần 38 tỉ đồng - khắc phục hết số tiền dư nợ tại BIDV Đông Hà Nội.

Do vậy, Cơ quan CSĐT Bộ Công an và Viện KSND tối cao quyết định áp dụng chính sách không xử lý trách nhiệm hình sự với các cá nhân nêu trên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.