Cuối tháng 6 vừa qua, Netflix trình làng mùa 1 bộ phim Sex/Life với 8 tập. Tác phẩm lấy cảm hứng từ cuốn sách 44 Chapters About 4 Men của BB Easton và tạo ra bởi Stacy Rukeyser.
Phim xoay quanh Billie (Sarah Shahi đóng), một cựu nghiên cứu sinh tiến sĩ chuyên ngành tâm lý của Đại học Columbia. Cô có gia đình hạnh phúc bên người chồng đẹp trai, thành đạt Cooper (Mike Vogel đóng) cùng hai con nhỏ ở vùng ngoại ô trù phú, tươi đẹp của Connecticut. Tuy nhiên, Billie dần cảm thấy cuộc sống của mình nhàm chán và nhớ đến bạn trai cũ Brad (Adam Demos đóng), khao khát cuộc sống thú vị, cuồng nhiệt bên anh. Nữ chính viết tất cả về tình cũ trong nhật ký. Khi chồng cô đọc được những dòng ấy cũng là lúc Brad trở lại và Billie bắt đầu hành trình khám phá lại bản thân mà chính điều đó đang đe dọa đến sự ổn định của gia đình cô…
|
Các cảnh khỏa thân, tình dục giúp phát triển cốt truyện?
Nếu trailer “nhá hàng” hàng loạt cảnh nóng thì tới khi Sex/Life trình làng, mật độ xuất hiện của những cảnh tình dục trong đó còn dày đặc, thậm chí trần trụi và táo bạo hơn. Xuyên suốt 8 tập phim là những cảnh nóng khiến người xem “đỏ mặt”, trong đó bao gồm những quan hệ ở nơi công cộng được mô tả trần trụi trước ống kính. Thậm chí, trong tập 3, nhân vật Brad của Adam Demos còn để lộ bộ phận nhạy cảm...
Trong bài viết đăng lên trang Slate, tác giả Karen Han tính toán rằng trung bình mỗi tập sẽ có khoảng 2,75 cảnh 18+, số lượng đáng kể so với thời lượng khoảng 45 phút/tập. Có những cảnh ân ái ngắn gọn nhưng cũng có những cảnh được mô tả chi tiết không khác gì phim khiêu dâm. Riêng tập đầu tiên, Sex/Life có tới 5 cảnh nóng. “Nói theo cách khác, mục đích của bộ phim này khá rõ ràng, nó chỉ được làm ra để phục vụ việc ‘Netflix and chill’ mà thôi”, cây viết này châm biếm.
|
Kể từ khi ra mắt, Sex/Life nhanh chóng vào top 10 tác phẩm ăn khách nhất Netflix. Phim cũng gây bàn tán trên mặt báo và trở đề hot trên TikTok, Twitter. Theo Independent, khán giả đã thảo luận về những cảnh khỏa thân hoàn toàn hay những quan hệ tình dục liên tiếp trong phim. Nhiều người nói đùa rằng những khoảnh khắc nóng bỏng, ướt át của Sex/Life khiến series 18+ nổi tiếng khác của Netflix là Bridgerton còn phải chịu lép vế đôi phần. Trên TikTok, người dùng còn tham gia trào lưu xem cảnh phim nóng bỏng của Adam Demos và chia sẻ phản ứng của họ.
Adam Demos xác nhận rằng anh tự thực hiện những phân cảnh nhạy cảm của Sex/Life. Nam diễn viên người Úc chia sẻ với Entertainment Weekly: “Tôi đồng ý với những cảnh khỏa thân vì đã đọc kịch bản và biết rõ nhân vật sẽ phải làm gì”. Tài tử 36 tuổi cũng cho biết bản thân có thể thảo luận với ê-kíp về nguyện vọng cũng như mức độ lộ cơ thể trước ống kính nên cảm thấy an toàn trong quá trình quay phim. Adam Demos chia sẻ những cảnh 18+ trong phim đều có lý do bởi chúng giúp phát triển cốt truyện cũng như góp phần khắc họa tâm lý, tính cách nhân vật.
|
Stacy Rukeyser, nhà làm phim đứng sau Sex/Life chia sẻ với Collider rằng cảnh quay "trực diện" của Adam Demos không đơn thuần là khoe thân mà để chứng minh rằng nhân vật Cooper - chồng của nữ chính, đang trở nên ám ảnh như thế nào với quá khứ của cô.
Trong khi đó, nữ diễn viên Sarah Shahi nói với Refinery29 rằng cô có rất nhiều cảnh nóng trong phim. Theo lời sao nữ 41 tuổi, tác phẩm được đầu tư rất nhiều vào việc thúc đẩy sự tích cực tình dục cho phụ nữ.
Làn sóng chỉ trích từ giới phê bình lẫn khán giả
Với những cảnh quay ngập trong tình dục, Sex/Life lập tức thu hút những ý kiến bình luận khác nhau, trong đó, sự chê bai, chỉ trích chiếm tỉ lệ áp đảo.
Trên Rotten Tomatoes, phim được đánh giá 29% từ cánh phê bình và 36% từ khán giả. Trang này mô tả về Sex/Life sau khi tổng hợp các ý kiến từ giới chuyên môn: “Tác phẩm ngập tràn những ý tưởng khêu gợi với hàng loạt cảnh tình dục ướt át cùng lối viết kịch bản đầy khoa trương. Đội ngũ làm phim dường như đang quá ám ảnh về tình dục đến mức không thể biến bộ phim trở nên sống động, hấp dẫn một cách trọn vẹn”.
|
“Một bộ phim hữu ích trong việc hướng dẫn cách ngoại tình cũng như làm tình”, một khán giả mỉa mai và chấm 1 sao. Người xem khác chia sẻ: “Bộ phim cố gắng kích thích ham muốn tình dục và trí tưởng tượng của phụ nữ nhưng cuối cùng lại đem đến một cơn đau đầu mà ngay cả Billie còn không thể chống đỡ được. Toàn bộ mùa đầu của phim tập trung vào sự do dự, thiếu quyết đoán của một phụ nữ. Nếu điều này được gọi là nữ quyền, thì đó là một sự thất bại thảm hại”.
Nhiều bình luận chê bai về bộ phim được đăng tải trên Rotten Tomatoes: “Bộ phim tệ nhất mà tôi từng xem trong thời gian gần đây”, “Màn biểu diễn này không chỉ giả vờ thú vị mà còn muốn khiến bạn nghẹt thở vì những điều vô nghĩa”, “Một sự lãng phí thời gian, tôi thực sự hi vọng Netflix đừng đầu tư làm mùa 2”, “Phim muốn khán giả khám phá đời sống của phụ nữ, vấn đề nữ quyền nhưng thực chất chỉ là một cách biện minh cho việc ngoại tình. Tác phẩm không đem lại ý nghĩa gì, cảnh tình dục quá nhiều và không cần thiết. Phải chăng chúng chỉ được dùng để che đậy một kịch bản tồi tệ?”, “Cốt truyện nhàm chán, họ nghĩ những cảnh tình dục dày đặc có thể giúp ích cho bộ phim nhưng thực tế thì không hề”, “Phim chỉ là một mớ hỗn độn, cố gắng lãng mạn hóa chuyện ngoại tình”…
|
Thomas Mitchell nhận xét về Sex/Life trên The Sydney Morning Herald: “Bề ngoài, bộ phim kể câu chuyện của Billie, một bà mẹ buồn chán quyết định thổi bùng cuộc sống của mình bằng việc tơ tưởng đến chuyện ngã vào lòng người yêu cũ. Thế nhưng, khi đào sâu hơn, bạn sẽ tìm thấy một sự thật trần trụi: Sex/Life chỉ là một loạt những cảnh quan hệ tình dục trong ánh đèn lờ mờ cùng những lời thoại xen lẫn tiếng rên rỉ”. Anh nói thêm: “Sex/Life của Netflix tệ đến mức khiến tôi không còn có thể tận hưởng được tình dục hay cuộc sống”.
Karen Han của tờ Slate nhận xét phim đầy cảnh nóng, khỏa thân nhưng thiếu đi sự quyến rũ. Theo cây viết phê bình này, không có nhân vật nào thực sự thú vị và ai cũng mắc phải những sai lầm khiến người xem bực bội.
|
Nhà phê bình Daniel D'Addario của Variety cho rằng Sex/Life cũng đòi hỏi các diễn viên thử thách chính mình, nhưng không phải ở khía cạnh diễn xuất mà là sẵn sàng khỏa thân trước máy quay. Ông chia sẻ: “Tôi thoát khỏi bộ phim và cảm thấy tiếc cho các diễn viên, những người đã cởi đồ chỉ để giúp bộ phim câu khách chứ không phải để truyền tải câu chuyện trong đó”. Daniel D'Addario nhận xét Billie được phác họa quá mờ nhạt, thay vì đào sâu nhân vật, nhà sản xuất lại chỉ biết ném những tình huống mới vào nữ chính. “Sarah Shahi là một diễn viên có kinh nghiệm nhưng lại có quá ít đất diễn, thay vào đó, cô chỉ có thể phản ứng trước những tình huống ngày một trở nên ngột ngạt, kỳ quái và tách rời khỏi thực tế mà những tập phim trước đã xây dựng”, cây viết phê bình nói thêm.
Trước Sex/Life, một cái tên khác trên Netflix là 365 Days cũng nhận chỉ trích vì dày đặc cảnh nóng như phim khiêu dâm. Ngoài ra, tác phẩm bị lên án dữ dội do lãng mạn hóa “hội chứng Stockholm” (trạng thái tâm lý mà các con tin lâu ngày chuyển từ cảm giác sợ hãi, căm ghét sang quý mến, đồng cảm thậm chí bảo vệ kẻ bắt cóc mình). Không chỉ vậy, phim còn bị nhiều khán giả ký tên đòi gỡ khỏi nền tảng phát trực tuyến. Bất chấp những ý kiến chỉ trích, 365 Days vẫn rục rịch sản xuất thêm hai phần hậu truyện.
Bình luận (0)