Đánh giá 38 cuốn “đạt”, nhưng phê duyệt chỉ có 32 !
Tại buổi họp báo công bố quyết định của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phê duyệt 32 sách giáo khoa (SGK) lớp 1, PV Thanh Niên nêu thắc mắc tại sao 38 SGK lớp 1 đã được Hội đồng quốc gia thẩm định SGK đánh giá là “đạt” và trình Bộ trưởng phê duyệt, nhưng trong quyết định phê duyệt lại chỉ có 32 cuốn?
Trả lời câu hỏi này, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT), cho biết 32 SGK nói trên là sách của môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc; 6 SGK chưa được phê duyệt là môn tiếng Anh, do ngoại ngữ là môn học tự chọn ở lớp 1 nên sẽ được phê duyệt và công bố sau.
Tuy nhiên, trao đổi với PV Thanh Niên, một số đơn vị làm sách cho biết sau khi hội đồng thẩm định đánh giá “đạt” thì đơn vị về pháp chế của Bộ GD-ĐT lại “tuýt còi” vì cho rằng có vướng mắc pháp lý bởi phần lớn bản thảo tiếng Anh lớp 1 do các tác giả người nước ngoài biên soạn. Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các nhà xuất bản (NXB) “tìm cách” bổ sung chủ biên sách là người Việt Nam, vì Thông tư 33 yêu cầu người biên soạn SGK phải “có đầy đủ quyền công dân”...
GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới, cho biết khi biết thông tin này, ông đã viết thư gửi Bộ GD-ĐT đề nghị Bộ hiểu đúng về “quyền công dân” trong quy định không có nghĩa là công dân Việt Nam, bất kể công dân nước nào thì cũng đều có quyền công dân như nhau, miễn là tác giả ấy không đang vi phạm pháp luật và bị tước quyền công dân thì đều là hợp pháp với quy định của thông tư. Nếu cứ khư khư là tác giả viết SGK phải là người Việt Nam thì chúng ta đang đi ngược với thế giới.
Khi thực hiện theo chương trình mới, các NXB Việt Nam đã làm việc với NXB nước ngoài để điều chỉnh sách tiếng Anh cho phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới là người Việt Nam. Việc Bộ GD-ĐT yêu cầu phải có tên tác giả là người Việt Nam vào sách của nước ngoài theo các chuyên gia là điều kỳ quặc, kể cả có thỏa thuận với NXB nước ngoài thì việc “tự dưng” cho tên tác giả người Việt Nam vào sách của họ là không phù hợp với các vấn đề pháp lý khác về bản quyền, đạo đức...
Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng nếu Bộ GD-ĐT không chấp nhận SGK tiếng Anh “nhập khẩu” do chủ biên, tác giả người nước ngoài đứng tên thì nên có quy định và thông báo rõ ràng trước khi thông báo mời các NXB gửi bản thảo SGK để Bộ GD-ĐT phê duyệt. Còn đã chấp nhận SGK do người nước ngoài biên soạn mà thẩm định xong rồi lại “tuýt còi” là rất khó hiểu.
Trả lời báo chí, Hội đồng thẩm định SGK môn tiếng Anh cấp tiểu học (lớp 1) cho biết hội đồng thẩm định chỉ chịu trách nhiệm về chuyên môn SGK do đơn vị tổ chức thẩm định của Bộ GD-ĐT chuyển đến. Cả 6 bản thảo đều được hội đồng đánh giá là “đạt” qua 2 vòng thẩm định vì cả 6 cuốn sách đều đáp ứng đầy đủ tiêu chí của SGK mới.
SGK thí điểm của đề án ngoại ngữ quốc gia là sách của ai ?
Ngoại ngữ là môn học duy nhất mà kinh phí biên soạn chương trình, tập huấn đội ngũ... không sử dụng nguồn vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới (WB), chủ biên chương trình môn ngoại ngữ cũng hầu như không làm việc với Ban Phát triển chương trình giáo dục phổ thông mới trong suốt quá trình xây dựng, thử nghiệm chương trình các môn học. Chỉ đến ngày công bố dự thảo chương trình các môn học thì mới thấy “xuất hiện” chủ biên chương trình môn ngoại ngữ là GS Nguyễn Lộc, nguyên Phó viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam.
Chương trình môn học này có những “đặc thù” như vậy nên SGK của nó cũng có những khác biệt về xuất phát điểm.
Trong số các bản mẫu SGK tiếng Anh gửi đến Hội đồng thẩm định quốc gia vừa qua, chỉ 1 bản mẫu là có tổng chủ biên người Việt Nam. Tại hội thảo về SGK lớp 1 mới do NXB Giáo dục Việt Nam tổ chức cuối tháng 10 vừa qua, ông Hoàng Văn Vân, chủ biên của một bộ SGK tiếng Anh, cho rằng có thể khẳng định trong các cuốn sách mới thì bộ SGK tiếng Anh là bộ SGK duy nhất của Bộ GD-ĐT vì Bộ giao cho Đề án dạy học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân, NXB Giáo dục Việt Nam và đội ngũ tác giả 3 cấp học phổ thông thiết kế và biên soạn dưới sự chỉ đạo sâu sát của Bộ GD-ĐT thông qua các vụ chức năng.
Ông Vân cho rằng vì là SGK làm theo đề án của Chính phủ “nên chúng tôi phải trải qua nhiều cuộc “phẫu thuật”. Trước khi gửi thẩm định bởi Hội đồng quốc gia thẩm định SGK, thì SGK tiếng Anh tiểu học đã qua ít nhất 2 lần “phẫu thuật” bởi hội đồng thẩm định do Bộ trưởng GD-ĐT thành lập và nhận được rất nhiều ý kiến góp ý và tiến hành dạy thí điểm. “Theo tôi được biết, cả nước có khoảng 40 - 50% SGK của chương trình ngoại ngữ 10 năm của đề án đang được giảng dạy, số còn lại là của chương trình ngoại ngữ 7 năm và khi Bộ chính thức thực hiện dạy ngoại ngữ bắt buộc từ lớp 3 thì cả nước sẽ phải học SGK của chương trình ngoại ngữ 10 năm”, ông Vân nói.
Ông Vân khẳng định bộ sách mà ông làm chủ biên là SGK duy nhất “của Bộ GD-ĐT”. Khẳng định này của ông Vân hoàn toàn có cơ sở, trước hết ở việc sử dụng kinh phí để biên soạn bộ SGK tiếng Anh từ lớp 3 đến lớp 12 theo chương trình ngoại ngữ 10 năm. Thông tư hướng dẫn, quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017 - 2025, do Bộ Tài chính ban hành ngày 23.5.2018 cho thấy toàn bộ kinh phí chi xây dựng chương trình, SGK, sách bài tập, sách giáo viên, tài liệu, học liệu, tài liệu hướng dẫn dạy và học ngoại ngữ đều là ngân sách nhà nước chi trả với hướng dẫn chi tiết. Ngoài ra, ngân sách nhà nước cũng chi cho việc tổ chức thẩm định, in ấn toàn bộ SGK và các tài liệu kể trên; thù lao cho giáo viên dạy thí điểm, dạy thực nghiệm tiếng Anh và các ngoại ngữ khác...
Dù vậy, lãnh đạo Bộ GD-ĐT luôn khẳng định không biên soạn hay chủ trì bất cứ bộ/cuốn SGK nào mà thực hiện đúng tinh thần của Nghị quyết 88 của Quốc hội về xã hội hóa, huy động các nguồn lực trong việc biên soạn SGK nên toàn bộ kinh phí xuất bản SGK mới sẽ hoàn toàn không dùng ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, với những SGK tiếng Anh được biên soạn, thẩm định, thí điểm, tập huấn hoàn toàn bằng tiền của ngân sách nhà nước thông qua Đề án dạy và học ngoại ngữ trong thệ thống giáo dục quốc dân như kể trên, khó có thể nói bộ SGK tiếng Anh là sản phẩm “xã hội hóa” mà là của chính Bộ GD-ĐT.
Ý kiến
Chỉ cần người biên soạn không vi phạm pháp luật, khoa học
Xét theo Thông tư 33, không có dòng nào bắt buộc phải là công dân Việt Nam. Đó là lý do thứ nhất của việc không thể loại ra chủ biên là người nước ngoài. Thứ hai, chúng ta nên biết mục tiêu của việc soạn SGK là gì? Đó là tạo ra tài liệu học tập chất lượng cao. Vậy thì chúng ta cần những chuyên gia tốt nhất. Điều đó nghĩa là chúng ta cần xem xét hồ sơ khoa học của họ. Chỉ cần họ không vi phạm pháp luật hoặc vi phạm về mặt khoa học thì đều có quyền tham gia các hoạt động học thuật.
Tiến sĩ giáo dục học Nguyễn Thị Huyền
Quan trọng là thẩm định kỹ lưỡng nội dung
Quy trình ngược với thông thường. Trên thế giới chắc hẳn chưa có nước nào có quy trình biên soạn SGK như chúng ta. Thường người ta thành lập hội đồng biên soạn với chủ biên và các ban bệ rồi mới tiến hành viết.
Nếu giờ hợp thức hóa chủ biên thì bộ sách có gì khác về nội dung không, nếu không thì hóa ra chúng ta đang làm việc có tính lừa dối dư luận.
Ở khía cạnh sách ngoại ngữ, nếu sử dụng tài liệu của nước ngoài, do người bản địa biên soạn theo hướng hiện đại thì không có gì là không tốt cả. Thay vì mình tìm chủ biên người Việt trám chỗ thì việc lúc này nên làm là xin chủ trương của các cấp lãnh đạo cao nhất để đưa vào sử dụng. Miễn là bộ sách đã được thẩm định kỹ lưỡng về cách tiếp cận, nội dung và văn hóa...
Cao Huy Thảo
(Nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Quốc tế Việt Úc - SIC) B.Thanh (ghi)
|
Bình luận (0)